'Quả ngọt' sau 10 năm xây dựng nông thôn mới
Những con đường rộng rãi, sạch đẹp trải dài đến tận xóm, ấp; nhiều cây cầu, hệ thống điện, trường học, nhà văn hóa, trụ sở làm việc,… được xây mới. Những mái nhà khang trang, làng quê được trồng hoa, cây xanh,… là 'quả ngọt' sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh.
Khi lòng dân đã thuận
Đường quê xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường mùa này phượng nở đỏ rực. Xuôi về các ấp, chúng tôi được nghe kể về chuyện những người dân chung tay giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới, làm hàng rào xanh và hiến đất làm đường nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ ấp Ông Nhan Đông, là người hiến 800m2 đất làm đường giao thông nông thôn, trong khi gia đình ông chỉ có gần 4.000m2 đất sản xuất. Ông chia sẻ, Bình Hiệp là một trong những xã được công nhận NTM khá sớm (năm 2014). Tuy nhiên, là xã biên giới thuộc vùng Đồng Tháp Mười, trước đây, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư nhiều, cuộc sống người dân còn khó khăn. Từ khi địa phương phát động chương trình XDNTM, đến nay, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. ‘‘Trước đây, chưa biết nhiều về chủ trương XDNTM nên còn bỡ ngỡ, khi hiểu rồi thì chúng tôi đồng tình. Trong điều kiện cho phép, gia đình tôi cũng muốn đóng góp một phần cùng chính quyền địa phương tham gia phong trào. Tôi nghĩ rằng, đây là chương trình hay, ý nghĩa, mang lại nhiều điều có ích cho người dân vùng nông thôn” - ông Bảy cho hay.
Thông tin từ UBND xã Bình Hiệp, xã được công nhận NTM sớm, nguồn lực địa phương có hạn nên cũng gặp khó khi hoàn thiện các tiêu chí (TC), trong đó có TC môi trường và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, với sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và người dân, hiện tại xã hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch. Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị - xã hội như phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh,... nhiều mô hình hiệu quả được thực hiện: Vận động người dân hiến đất làm đường, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, cùng góp phần XDNTM.
Xã Hướng Thọ Phú là địa phương cuối cùng của TP.Tân An đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2017. Ông Trương Văn Sơn, ngụ ấp 2, nói: “Từ khi địa phương thực hiện XDNTM, người dân được hưởng lợi. Hướng Thọ Phú hôm nay có nhiều đường nông thôn được trải nhựa tạo điều kiện cho người dân lưu thông và vận chuyển hàng hóa. Người dân cùng với chính quyền trồng cây xanh, chăm sóc hoa; một số trạm cấp nước được đầu tư;... Xã khuyến khích người dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập. Gia đình tôi từ khi chuyển từ trồng lúa sang hoa màu, đời sống khá hơn xưa”.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - Lê Văn Thảo, hơn 5 năm phát động, xã huy động nguồn lực đầu tư hơn 50 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 7 tỉ đồng. Trong 19 TC XDNTM, TC môi trường, hình thức tổ chức sản xuất, giao thông,... được xem là những TC khó. Vì vậy, đến nay, địa phương dù đạt 19/19 TC nhưng vẫn duy trì, củng cố, nâng chất các TC.
Sẽ “không có điểm dừng”
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, làng quê như “khoác lên chiếc áo mới”. Chương trình ngày càng đi vào chiều sâu, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của cả hệ thống chính trị, trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới rõ rệt, kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, hộ nghèo giảm nhanh. Các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao ngày càng phong phú và được chú trọng, mức hưởng thụ về văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên. XDNTM huy động được sự tham gia của toàn xã hội, trong đó các tổ chức chính trị - xã hội phát động nhiều phong trào thi đua mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Hệ thống chính trị ở nông thôn ngày càng hiệu quả và có nhiều đổi mới. An ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng được củng cố và tăng cường,…
Năm 2010, toàn tỉnh Long An chưa có xã đạt trên 14 TC, còn 67 xã chỉ mới đạt từ 2-5 TC. Cuối năm 2015, có 43 xã đạt chuẩn NTM và hiện nay là 88/161 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 54,6%. Hiện nay, các địa phương đang tập trung các giải pháp nhằm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu XDNTM năm 2020,...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Phạm Văn Cảnh cho rằng, qua 10 năm XDNTM, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
XDNTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục và sẽ “không có điểm dừng”. Thời gian tới, XDNTM trong tỉnh phải bảo đảm “hiệu quả, toàn diện và bền vững”. Cụ thể là hiệu quả về sử dụng các nguồn lực; toàn diện ở các lĩnh vực, các cấp, các vùng; bền vững về môi trường, biến động thị trường và biến đổi khí hậu. Theo đó, XDNTM phải làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng KT-XH ở nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa. Kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn “sáng, xanh, sạch, đẹp”; hệ thống chính trị nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/-qua-ngot-sau-10-nam-xay-dung-nong-thon-moi-a96364.html