Quan chức chiến dịch tranh cử tiết lộ điều đầu tiên bà Harris làm trong cuộc đua vào Nhà Trắng
Quan chức cấp cao chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tiết lộ với NBC News về điều đầu tiên mà ứng cử viên đảng Dân chủ làm trong cuộc đua vào Nhà Trắng với ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo NBC News ngày 4/11, lần đầu tiên tại một buổi vận động tranh cử, ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris không nhắc đến ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thay vào đó, bà Harris tập trung vào những thông điệp hướng tới tương lai trong bài phát biểu của mình và nói với đám đông người ủng hộ ở thành phố East Lansing thuộc bang Michigan ngày 3/11 rằng: “Hôm nay, tôi thấy lời hứa của nước Mỹ ở tất cả mọi người có mặt tại đây”.
Một quan chức cấp cao trong chiến dịch vận động tranh cử của bà Harris tiết lộ với NBC News rằng đây là buổi vận động tranh cử đầu tiên kể từ khi Phó Tổng thống Mỹ trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ mà bà Harris không nhắc đến ông Trump bằng tên và chiến lược ở đây là “khép lại với một thông điệp hoàn toàn tích cực”.
Xem video ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris phát biểu với những người ủng hộ ở thành phố East Lansing thuộc bang Michigan ngày 3/11/2024 rằng nếu được bầu làm tổng thống, bà sẽ làm “mọi điều trong khả năng để kết thúc chiến tranh ở Gaza, đưa những người bị bắt giữ về nhà, chấm dứt đau khổ ở Gaza, đảm bảo an ninh cho Israel và đảm bảo người dân Palestine có thể thực hiện quyền được sống trong phẩm giá, tự do, an ninh và quyền tự quyết”. Nguồn: Reuters
Chiến dịch vận động tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ đã cố gắng lập luận rằng bà Harris đại diện cho “chính trị của niềm vui” và tạo ra sự tương phản với những gì mà họ cho là tầm nhìn u ám của ông Trump về đất nước.
Bà Harris bắt đầu buổi vận động ở thành phố East Lansing bằng cách gửi lời chào đến các lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập và đề cập đến cuộc chiến giữa Israel và Hamas cũng như thiệt hại ở Dải Gaza, nơi đã có hơn 40.000 người Palestine thiệt mạng kể từ khi xung đột bắt đầu cùng với những ảnh hưởng ở Liban (Lebanon).
Bà Harris nói: “Hôm nay, ở đây chúng ta tham gia cùng các lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập, một cộng đồng có gốc gác lâu đời và đầy tự hào tại Michigan”.
Bà Harris cho biết thêm: “Và tôi muốn nói rằng, năm nay thật khó khăn, với quy mô thương vong và tàn phá ở Gaza, cùng với các tổn thất về con người và di tản của người dân tại Liban, điều này thật đau lòng”.
Ứng cử viên đảng Dân chủ cam kết rằng nếu được bầu làm tổng thống, bà sẽ làm “mọi điều trong khả năng để kết thúc chiến tranh ở Gaza, đưa những người bị bắt giữ về nhà, chấm dứt đau khổ ở Gaza, đảm bảo an ninh cho Israel và đảm bảo người dân Palestine có thể thực hiện quyền được sống trong phẩm giá, tự do, an ninh và quyền tự quyết”.
Liên quan tới cuộc vận động tranh cử của bà Harris ở thành phố East Lansing, hãng tin Reuters cho biết thêm ứng cử viên đảng Dân chủ đang đối mặt với sự hoài nghi từ một số người thất vọng vì bà chưa làm đủ để giúp chấm dứt cuộc chiến ở Gaza và giảm viện trợ cho Israel.
Đối thủ của bà Harris, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến thành phố Dearborn, cũng thuộc bang Michigan, nơi được coi là trung tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập, vào ngày 1/11 và hứa sẽ chấm dứt cuộc xung đột ở Trung Đông mà không nói rõ cách thức.
Điều đáng chú ý trong cuộc vận động tranh cử của bà Harris ở thành phố East Lansing là ứng cử viên đảng Dân chủ không nhắc đến tên đối thủ Donald Trump trong suốt bài phát biểu kéo dài 25 phút, mà chỉ đề cập đến “các cá nhân nhất định”.
Xem video ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 3/11/2024 kêu gọi cử tri lên kế hoạch bỏ phiếu trước ngày bầu cử, chia sẻ rằng bà đã hoàn thành việc bỏ phiếu qua thư và lá phiếu của bà đang trên đường đến California, đồng thời nhắn gửi cử tri: “Chúng ta sẽ cùng nhau đấu tranh vì lời hứa của nước Mỹ”. Nguồn: Reuters
Theo hãng tin Reuters, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cuộc đua giữa bà Harris và ông Trump vẫn rất sít sao. Bà Harris, 60 tuổi, được ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri nữ, trong khi ông Trump, 78 tuổi, đang giành thêm sự ủng hộ từ cử tri gốc Latinh và Tây Ban Nha (gốc Hispanic), đặc biệt là nam giới.
Mặc dù theo thăm dò của Reuters/Ipsos, cả ứng cử viên của đảng Dân chủ và ứng cử viên của đảng Cộng hòa đều không được đánh giá cao về mức độ thiện cảm, điều này vẫn không ngăn cản cử tri đi bỏ phiếu.
Theo Phòng thí nghiệm Bầu cử của Đại học Florida, hơn 76 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm, chiếm gần một nửa so với tổng số 160 triệu phiếu đã được bỏ vào năm 2020, khi tỷ lệ cử tri Mỹ đi bỏ phiếu đạt mức cao nhất trong hơn một thế kỷ.