Quan hệ Mỹ - Trung trước thềm hai hội nghị thượng đỉnh tại châu Âu
Theo hãng AP, quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục tồn tại các căng thẳng nhưng vẫn cần đến hợp tác song phương nhằm giải quyết các vấn đề nóng trên thế giới.
Cạnh tranh Mỹ-Trung
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome (Italy) vào cuối tuần này và sau đó là Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Scotland) vào ngày 1-2/11/2021.
Hai thượng đỉnh sắp tới sẽ là cơ hội tuyệt vời để thể hiện "nước Mỹ quay trở lại". Thượng đỉnh sẽ cho thấy, Mỹ tiếp tục vai trò dẫn đầu toàn cầu trong ủng hộ vaccine COVID-19 và thể hiện Tổng thống Joe Biden đã đưa Mỹ trở lại hành động về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, theo hãng AP, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh G20, và thượng đỉnh tiếp theo về khí hậu ở Scotland.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng Giêng năm nay, Tổng thống Biden luôn đặt ra ưu tiên tăng cường vị thế của Mỹ trong nước, quốc tế và thế giới vẫn đang hi vọng một cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra vào thời gian tới.
"Trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, ngoại giao ở cấp cao nhất giữa hai nước đóng vai trò vô cùng quan trọng để mang đến hiệu quả cho mối quan hệ này", Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nhấn mạnh.
Mỹ tiếp tục theo đuổi chiến lược ngoại giao kêu gọi sự tham gia của các đồng minh truyền thống. Về an ninh, thương mại, khí hậu hay Covid-19, Nhà Trắng đều kêu gọi đồng minh tham gia giải quyết các thách thức chiến lược kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm chính quyền. Cả Bắc Kinh và Washington dường như rất ít tương tác qua lại để định hình lại quan hệ giữa hai nước. Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 tại Rome trong tuần này sau nhiều tháng đàm phán mà vẫn chưa giải quyết được vấn đề khúc mắc hiện tại. Tại hội nghị thượng đỉnh, chắc chắn một lần nữa Mỹ sẽ nhắc lại phương châm "Đưa thế giới trở lại tốt đẹp hơn" đúng như cam kết khi chạy đua vào Nhà Trắng của Tổng thống Biden. Theo đó, ông sẽ khuyến khích các đồng minh của Mỹ đáp ứng các cam kết tài trợ vaccine trên toàn cầu. Hiện tại, Trung Quốc cũng đang triển khai chiến lược "ngoại giao vaccine" Covid-19. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đặt ra các ưu tiên đối với sự tham gia của liên minh đối tác "QUAD", bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đồng thời hòa giải các vấn đề khúc mắc với đồng minh Pháp sau kế hoạch triển khai liên minh an ninh AUKUS.
Về lĩnh vực quân sự, Trung Quốc vừa triển khai vụ thử vũ khí siêu thanh tiên tiến. Tướng Mark Milley – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân nhấn mạnh, vũ khí siêu thanh của Bắc Kinh gần giống với "khoảnh khắc Sputnik" mà Liên Xô từng phóng vệ tinh đầu tiên trên thế giới vào không gian vào năm 1957. Nói về vụ thử gần đây, Chính phủ Trung Quốc cho biết đang làm việc trên một tàu vũ trụ tái sử dụng và không hề có bất kỳ vụ thử tên lửa nào.
Hợp tác cùng phát triển
Theo hãng tin AP, nhiều sự khác biệt lớn sẽ dẫn đến căng thẳng leo thang giữa hai siêu cường lớn mạnh nhất thế giới theo nhiều cách. Một số khác biệt về an ninh khu vực, thương mại và công nghệ có thể rất khó hòa giải, nhưng đàm phán thành công sẽ giúp kiểm soát tình hình và ngăn chặn bất kỳ điều gì cản trở sự hợp tác trong các lĩnh vực, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia cho rằng thế giới có thể sẽ phải chứng kiến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sắp xảy ra, phức tạp hơn nhiều so với cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ của Liên Xô. Tuy nhiên, về cơ bản, Mỹ và Trung Quốc đang bước vào thời điểm vừa là đối thủ nhưng cũng phụ thuộc lẫn nhau. Mỹ cần phải hợp tác với Trung Quốc để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hay kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran. Chắc chắn hai nền kinh tế vẫn phải gắn bó chặt chẽ với nhau bất chấp các quy định về mức thuế quan cao áp dụng từ thời cựu Tổng thống Trump đến thời Tổng thống Biden.
Theo ông Matthew Goodman, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục là câu hỏi của "thế hệ chúng ta". Tổng thống Biden vẫn duy trì mối quan hệ bền lâu với Trung Quốc để đối phó với các vấn đề như biến đổi khí hậu, tấn công mạng và một số vấn đề khác. Hai quốc gia cần phải tìm ra hướng giải quyết chung đối với các vấn đề toàn cầu hậu Covid-19.
Các số liệu điều tra dân số cho biết, người dân Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc trị giá 470 tỷ đô la trong năm nay – con số cao nhất kể từ năm 2018 khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng mức thuế mới. Thương mại đã giúp hai nước liên kết dựa vào nhau để phát triển bất chấp các căng thẳng chung.
Ông Sullivan nhấn mạnh, Mỹ tiếp tục xây dựng chương trình nghị sự kinh tế, khẳng định sự ổn định đối với kinh tế vĩ mô trên thế giới, rằng chúng tôi sẽ thể hiện nỗ lực để bảo vệ người lao động và doanh nghiệp./.