Quân khu 9: Bước tiến mới trong xây dựng và quản lý doanh trại
Thực hiện phong trào thi đua 'Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp', các đơn vị của Quân khu 9 phát huy nội lực hoàn thành chỉ tiêu, nội dung, tạo diện mạo mới ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Đồng thời, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, giúp cho bộ đội hiểu rõ ý nghĩa tích cực của phong trào, xem đơn vị là nhà, an tâm tư tưởng gắn bó xây dựng doanh trại, môi trường văn hóa mới, mẫu mực tiêu biểu.
Phong trào thi đua được các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện trên 6 nội dung: Quy hoạch doanh trại hợp lý, chính quy, quản lý đất quốc phòng đúng pháp luật; xây dựng và quản lý doanh trại đúng chế độ quy định; quản lý sử dụng điện nước an toàn tiết kiệm; quản lý sử dụng tốt doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt bảo đảm thống nhất về quy cách; bảo đảm vệ sinh môi trường trong doanh trại xanh, sạch, đẹp; phát huy tinh thần tự lực, tự cường nội lực của đơn vị. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện cũng như đột phá vào khâu yếu, mặt yếu phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ở Lữ đoàn Công binh 25, quá trình xây dựng, quy hoạch doanh trại, đơn vị chú trọng giữ gìn, bảo đảm vệ sinh môi trường trong các hoạt động. “Công trình vệ sinh được chúng tôi bố trí khép kín; khu vực chăn nuôi có đủ hệ thống chứa chất thải, lắng lọc, xử lý. Thực hiện tốt việc thu gom, xử lý, khử trùng và chôn lấp rác làm phân vi sinh phục vụ tăng gia sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hệ thống cống, rãnh thoát nước trong khu vực doanh trại thường xuyên được khơi thông, sửa chữa, không bị ứ đọng gây mất vệ sinh. Thời gian qua, đơn vị sửa chữa, làm mới 8.800m cống rãnh, mua 115 thùng chứa rác trị giá 85 triệu đồng góp phần ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo quân số khỏe cho đơn vị”, Thượng tá Nguyễn Văn Nhủ, Phó Lữ đoàn trưởng, cho biết.
Thời gian gần đây, Sư đoàn 330 luôn là đơn vị điểm của Quân khu trong phong trào trồng cây xanh. Tuy địa hình đóng quân đa dạng, chủ yếu ở vùng núi khô cằn, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mùa khô, nước tưới cây gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, Sư đoàn đã trồng, chăm sóc hơn 10.000 cây có giá trị cao như: Cây hương, mật, cây sưa, cây dầu đỏ,... Trung tá Lê Thành Quang, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn cho biết: “Cùng với xây dựng và quản lý tốt doanh trại, việc củng cố môi trường xung quanh nơi ở cho bộ đội luôn được đơn vị quan tâm. Vì vậy, phong trào trồng cây xanh đã trở thành mục tiêu, động lực, là nhu cầu hưởng thụ văn hóa sau những giờ huấn luyện, lao động của mọi cán bộ, chiến sĩ. Thời gian qua, chúng tôi đã trồng trên 500.000 cây các loại để phủ xanh các khu vực đất trống, đồi trọc xung quanh doanh trại, thao trường huấn luyện. Từ đó, đã góp phần “xanh hóa” đơn vị, xây dựng nét đẹp văn minh trên địa bàn đóng quân, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao”.
Xây dựng, quản lý doanh trại thân thiện với môi trường luôn là mục tiêu được các cơ quan, đơn vị chú trọng thực hiện bằng nhiều cách làm khác nhau. Cùng với công tác tuyên truyền, nhiều đơn vị còn duy trì hiệu quả các phong trào như: “Thanh niên hành động vì môi trường”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Mỗi người một việc làm, chung tay vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, “Đơn vị không khói thuốc”... đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, chiến sĩ.
Với đặc điểm đóng quân trên đảo, nhiều đơn vị của Trung đoàn 152 phân tán, việc bảo đảm nước sinh hoạt cho bộ đội là một thách thức lớn, đặc biệt vào mùa khô. Để khắc phục tình trạng này, đơn vị bảo đảm nước hàng ngày bằng cách sử dụng xe chở nước lên đồi nhưng tốn kém rất lớn. Trung tá Trần Thanh Hoài, Phó trung đoàn trưởng, cho biết: “Chúng tôi xây đập chặn nước trên các suối, sau đó dẫn nước về đơn vị sử dụng. Với những đơn vị ở xa, Trung đoàn đã nghiên cứu và tiến hành lắp một bể trung chuyển cách Hồ nước Trung đoàn 1,8km, sau đó dẫn nước tự chảy từ nơi này đến các đơn vị; cách này đã giúp công tác bảo đảm nước sinh hoạt hiệu quả hơn, tiết kiệm trạm bơm và thuận tiện trong vận hành, quản lý trạm bơm và điều tiết được nguồn nước”.
Còn cách phát huy nội lực của Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Long là củng cố, nâng cấp mạng đường điện, đảm bảo an toàn, tiết kiệm chi phí. Theo đó, hệ thống đường dây trần hạ thế từng bước được thay thế bằng dây cáp bọc hoặc cáp vặn xoắn, nhằm giảm thiểu thất thoát điện trên đường dây và bảo đảm vận hành an toàn. Đại tá Trần Hoàng Quân, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Long chia sẻ kinh nghiệm: “Các loại đèn sợi đốt được chúng tôi thay thế bằng bóng đèn led; thiết bị điện luôn được kiểm tra, kịp thời thay thế khi bị hỏng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn. Hệ thống đèn chiếu sáng bảo vệ được bố trí lại, cắt giảm những khu vực không cần thiết và lắp đặt hệ thống rơ-le tự động đóng, cắt điện theo giờ quy định. Đồng thời, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm điện như: Tắt hẳn nguồn điện khi không sử dụng thiết bị; tận dụng tối đa nguồn sáng và thông gió tự nhiên; sử dụng điều hòa khi thật cần thiết và cài đặt chế độ làm mát từ 260C trở lên; hạn chế tối đa việc sử dụng bình nước nóng, bàn là, ấm điện… Những trường hợp để quạt quay, bóng đèn sáng khi không có người hoặc sử dụng thiết bị điện thiếu an toàn, chúng tôi sẽ xử lý bằng biện pháp hành chính”.
Đi đôi áp dụng các giải pháp kỹ thuật, các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu 9 còn chú trọng tuyên truyền, giáo dục, tạo tác phong, thói quen sử dụng điện, nước tiết kiệm cho bộ đội. Đồng thời, xây dựng quy chế quản lý, sử dụng doanh cụ, điện, nước gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng cá nhân và tăng cường giáo dục bộ đội ý thức tự giác chấp hành các quy định trong công tác quản lý, sử dụng.
Việc quy hoạch doanh trại của Quân khu 9 luôn có sự định hướng phát triển, phân khu chức năng rõ ràng, phù hợp với địa hình đóng quân và tính chất đặc thù của từng cơ quan, đơn vị; cũng như thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo trì để kéo dài thời gian sử dụng các công trình và trang thiết bị doanh trại góp phần tiết kiệm ngân sách. Quá trình thực hiện cho thấy, Quân khu còn kết hợp chặt chẽ với các phong trào, cuộc vận động của các chuyên ngành nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào xây dựng, quản lý doanh trại đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực hơn. Có thể khẳng định, kết quả thực hiện các nội dung của phong trào đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội; tạo lòng tin cho cán bộ, chiến sĩ an tâm gắn bó xây dựng đơn vị, tạo niềm tin cho thân nhân khi có con em mình thực hiện nghĩa vụ quân sự.