Quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi sau đầu tư còn nhiều hạn chế

ĐBP - Tính đến hết năm 2020 (năm 2021 chưa có số liệu thống kê), toàn tỉnh có 974 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng, với khoảng 894km kênh cấp 3 và kênh nội đồng. Trong đó cấp tỉnh quản lý 37 công trình; cấp huyện quản lý 937 công trình. Bên cạnh những công trình phát huy hiệu quả thì vẫn còn nhiều công trình sau khi đưa vào sử dụng đã nhanh chóng xuống cấp, chưa phát huy hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là do công tác quản lý, bảo vệ chưa được chú trọng.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra đoạn tuyến kênh Thủy lợi Xuân Lao bị mất nắp đậy kênh.

Công trình Thủy lợi Xuân Lao (xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng) được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư năm 2011, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án hơn 64,6 tỷ đồng. Theo quyết định phê duyệt ban đầu, công trình cung cấp nước tưới cho 219,3ha (gồm hơn 114ha lúa 2 vụ; 100ha cà phê và khoảng 5ha nuôi trồng thủy sản). Sau nhiều lần điều chỉnh, gia hạn, đến năm 2019 công trình được bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, công trình chưa phát huy hiệu quả như thiết kế. Hiện nay còn gần 40ha ruộng chưa có nước tưới. Bên cạnh đó, một số đoạn tuyến kênh dẫn nước đã mất nắp đậy, khi trời mưa đất đá trôi, sạt xuống làm tắc kênh, giảm công năng của công trình.

Ông Nguyễn Trung Chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Mường Ảng (đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết: Một số bãi ruộng chưa có nước tưới chủ yếu là ruộng cuối kênh, trong quá trình dẫn nước về bị thẩm thấu nên chưa có nước. Đối với vấn đề một số đoạn tuyến kênh bị mất nắp che đậy thì trách nhiệm thuộc về địa phương, đơn vị được bàn giao công trình. Bởi sau khi công trình hoàn thành, bàn giao thì địa phương phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ công trình.

Tương tự, công trình Thủy lợi Ích Co Mạ, xã Mường Tùng (huyện Mường Chà) có tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng, với tuyến kênh bê tông dài 50m và tuyến ống dẫn nước dài 2,5km. Theo thiết kế sẽ tưới cho 26ha ruộng lúa 2 vụ. Mặc dù công trình mới nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng năm 2020, nhưng ngày 11/10/2021, đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra thực tế thì công trình đã xuống cấp, hư hỏng, không phát huy tối đa hiệu quả.

Ông Ly A Phùa, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Tùng cho biết: Quy mô thiết kế tưới cho 26ha ruộng, nhưng thực tế hiện nay còn khoảng 6ha chưa được khai hoang, do nguồn nước không đến. Việc một số đoạn kênh, tuyến ống dẫn nước bị hư hỏng, thời gian tới xã sẽ huy động người dân khắc phục sự cố sạt lở.

Thực tế còn nhiều công trình thủy lợi sau khi bàn giao đưa vào sử dụng không phát huy được hiệu quả do không có cơ chế quản lý, vận hành tốt. Tại một số công trình, người dân tự ý đục, phá thành kênh để lấy nước; xâm hại, vi phạm hành lang công trình. Qua thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh, tính đến đầu năm 2020, toàn tỉnh có 403 công trình hoạt động bình thường và 110 công trình hư hỏng, trong đó có những công trình hư hỏng do thiên tai, thời gian sử dụng quá lâu, nhưng cũng có công trình không phát huy hiệu quả do công tác quản lý, vận hành sau đầu tư chưa được quan tâm. Công tác quản lý còn mang tính hình thức, chưa có hồ sơ theo dõi việc bảo vệ, quản lý, vận hành duy tu, bảo dưỡng.

Hiện nay, các công trình thủy lợi đang được quản lý, khai thác theo 4 mô hình gồm: Doanh nghiệp quản lý; ban quản lý thủy nông quản lý; hội dùng nước quản lý và UBND xã quản lý. Trên thực tế, chủ yếu là giao cho UBND các xã và tổ hợp tác quản lý. Đại đa số cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình đều là người được hưởng lợi từ công trình thủy lợi (hầu hết là trưởng bản) chưa qua lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, khai thác công trình thủy lợi, năng lực còn hạn chế. Trong khi đó, yêu cầu về năng lực đối với các thành viên trong tổ chức thủy lợi cơ sở (hợp tác xã, tổ hợp tác) phải có “Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, khai thác công trình thủy lợi”.

Đối với mô hình hợp tác xã, do đặc thù là tỉnh miền núi, địa hình khó khăn, công trình thủy lợi phân tán, có diện tích tưới nhỏ lẻ, manh mún; nguồn kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi của Nhà nước không đáng kể nên không có tổ chức, cá nhân tự nguyện đứng ra thành lập hợp tác xã. Do vậy việc thành lập các hợp tác xã quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi rất khó thực hiện. Còn đối với mô hình tổ hợp tác, theo quy định không có tư cách pháp nhân (không có con dấu và số tài khoản riêng), do vậy không thể thực hiện thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/191341/quan-ly-bao-ve-cong-trinh-thuy-loi-sau-dau-tu-con-nhieu-han-che