Quản lý, khai thác hiệu quả nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Qua khảo sát của ngành chuyên môn những năm gần đây, nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong tỉnh hạn chế, phần lớn là cát sông, với trữ lượng đáp ứng một phần nhu cầu xây dựng của tỉnh và một số khoáng sản khác như đất làm gạch, ngói, than nâu… Trữ lượng cát sông của tỉnh khoảng gần 16,3 triệu m3, phân bố chủ yếu tại các bãi bồi ven sông và lòng sông. Trong khi nhu cầu cát phục vụ các dự án đầu tư xây dựng trong tỉnh ngày càng tăng, trữ lượng cát sông ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi công tác quản lý, khai thác hiệu quả và bền vững hơn.

Khai thác cát lòng sông Hồng tại xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên)

Khai thác cát lòng sông Hồng tại xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên)

Có mặt tại điểm kinh doanh cát, sỏi làm vật liệu xây dựng tại xã Mai Động (Kim Động), từ sáng sớm, các xe vận chuyển cát, đá và vật liệu xây dựng đã tấp nập ra vào. Anh Vũ Văn Chiến, người đến mua cát xây dựng cho biết: Tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng đã diễn ra 2 năm nay, để bảo đảm tiến độ của dự án, tôi thường xuyên phải ký hợp đồng, thỏa thuận giá và khối lượng trước với các chủ cung ứng vật liệu. Tuy nhiên, nguồn cung ứng cát xây dựng vẫn ít, giá tiếp tục tăng khoảng 15 - 20% so với cùng thời điểm năm trước. Cụ thể năm 2023, giá cát san lấp khoảng 170 – 180 nghìn đồng/m3, năm 2024 khoảng 200 nghìn đồng/m3.

Từ tháng 1/2019 đến nay, tỉnh đã tổ chức, đấu giá thành công 4 điểm mỏ cát lòng sông và đã cấp 3 giấy phép khai thác (1 điểm mỏ chưa cấp phép) phục vụ xây dựng các công trình của tỉnh, nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước, từng bước ngăn chặn, chấn chỉnh việc khai thác cát sông trái phép. UBND tỉnh không cấp phép khai thác tận thu, không cấp mỏ vật liệu xây dựng phục vụ các dự án trọng điểm.

Ông Trương Hải Hưng, phụ trách quản lý hoạt động khai khoáng của Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ Phúc An có văn phòng đại diện tại phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) cho biết: Công ty được cấp phép khai thác cát lòng sông khu vực xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên). Hiện nay, công ty có 3 tàu khai thác hoạt động tại mỏ, chấp hành nghiêm quy định về thời gian, công suất khai thác. Đồng thời chấp hành nghiêm các quy định về kiểm tra tại thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới phạm vi khu vực được phép khai thác. Công ty phối hợp chặt chẽ với ngành, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương để bảo đảm các điều kiện hoạt động an toàn cũng như bảo đảm an ninh, trật tự. 100% lượng cát sau khi khai thác được cung cấp cho các công trình xây dựng ở tỉnh.

Hiện nay, tỉnh không có điểm mỏ thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tất cả các khu vực đều phải đấu giá. Các đơn vị khai thác cát trong tỉnh đều kê khai và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước; lập đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường và có phương án đảm bảo an toàn lao động trong khai thác; về cơ bản, các tổ chức được cấp phép đều chấp hành tốt, trong nhiều năm qua chưa xảy ra vụ tai nạn lao động, sự cố môi trường nghiêm trọng nào.

Tuy nhiên, trữ lượng cát sông của tỉnh chủ yếu nằm trên các bãi bồi ven sông, hiện nay Nhân dân đang sản xuất nông nghiệp. Một số khu vực trên sông Hồng có tiềm năng trữ lượng cát sông lớn và đang được bồi tụ có thể đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác nhưng khi xin ý kiến các tỉnh giáp ranh lại không nhất trí, vì phía tỉnh Hưng Yên là bên bồi trong khi phía bên tỉnh giáp ranh là bên lở. Việc theo dõi, quản lý khối lượng khai thác, mua, bán cát sông của các doanh nghiệp được cấp phép còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản mất nhiều thời gian (đấu giá, cấp giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, giấy chứng nhận đầu tư, đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường và hồ sơ cấp giấy phép khai thác), thời gian thực hiện dài (đến 3 năm), đối với cát sông có sự biến đổi trữ lượng lớn, khó khăn cho việc xác định trữ lượng.

Đồng chí Nguyễn Đức Kiền, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để quản lý và phát huy hiệu quả nguồn khoáng sản nói chung và nguồn cát sông nói riêng, cần sự quan tâm, phối hợp, vào cuộc của các cấp, ngành. Thực hiện Công văn số 1791/UBND-KT2 ngày 27/6/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện kiểm tra, xác định lại mốc giới, trữ lượng cát của các đơn vị được cấp phép khai thác; đánh giá hiệu quả hoạt động khai thác, việc đóng góp ngân sách nhà nước, tác động đến môi trường và tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Tham mưu với cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác theo quy định pháp luật đối với các điểm mỏ cát theo Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 27/12/2023 của UBND tỉnh về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2024. Chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trong tỉnh. Đề nghị cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu địa phương có trách nhiệm tổ chức bảo vệ tài nguyên cát sông chưa khai thác; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác cát sông trái phép để bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu vực có khoáng sản.

Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/quan-ly-khai-thac-hieu-qua-nguon-khoang-san-lam-vat-lieu-xay-dung-3173712.html