Quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tránh thất thoát, lãng phí

Thảo luận tại hội trường sáng 25.5, một số ý kiến đề nghị có các giải pháp, rút kinh nghiệm trong công tác dự báo, đánh giá tác động, tính hiệu quả ngay từ khi đề xuất chính sách; việc tổ chức thực hiện để bảo đảm quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tránh thất thoát, lãng phí và hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, phát huy hiệu quả dự án đầu tư

Các đại biểu Quốc hội nhận định, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là hết sức kịp thời, hợp lòng dân. Các chính sách đưa ra trong Nghị quyết có tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế.

Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao ngay trong quá trình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng. Quốc hội tăng cường trách nhiệm giám sát các Nghị quyết đã ban hành và cùng đồng hành với Chính phủ đánh giá, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Qua kết quả giám sát, đại biểu Đặng Bích Ngọc khẳng định, “dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự vào cuộc chủ động, kịp thời của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết về các dự án quan trọng quốc gia đã đạt nhiều kết quả tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, kinh tế từng bước được phục hồi và tốc độ tăng trưởng đạt mức cao”.

Đại biểu nhận định, đến thời điểm hiện nay, một số chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời như: chính sách tín dụng qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế suất giá trị gia tăng đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh; các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua đã phát huy hiệu quả, tăng cường tính chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, phát huy hiệu quả dự án đầu tư.

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nhấn mạnh, việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết về các dự án quan trọng quốc gia là chương trình lớn nhất từ trước đến nay, với giá trị gần 350.000 tỷ đồng. Chúng ta có thể khẳng định, việc ban hành, triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ, đã hỗ trợ công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid – 19 và phục hồi phát triển KT – XH, đạt được nhiều kết quả tích cực, cổ vũ tinh thần người dân, doanh nghiệp và bổ sung một nguồn lực lớn cho ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau đại dịch, nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực từ các tầng lớp Nhân dân.

Theo đại biểu Mai Văn Hải, điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân và doanh nghiệp, tập trung được nguồn lực cho đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được triển khai một cách quyết liệt và đạt được kết quả rất phấn khởi, đến nay có hơn 2.000 km đường cao tốc đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, được cử tri, nhân dân đồng tình, phấn khởi.

Cần rút kinh nghiệm trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách

Đại biểu Mai Văn Hải cũng chỉ ra, việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 vẫn còn tồn tại, hạn chế như: một số địa phương chưa áp dụng cơ chế đặc thù trong đầu tư hạ tầng y tế thuộc Chương trình; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Chương trình. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Chương trình. Tiến độ giải ngân nhiều dự án đầu tư không bảo đảm thời gian theo thời hạn của Nghị quyết, mặc dù đã được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện.

Đại biểu lưu ý, một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động… Đến hết năm 2023, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thách thức, chưa phục hồi được do sự tác động của đại dịch, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể. Một số chính sách hỗ trợ người dân, người lao động được triển khai còn chậm và lúng túng.

Đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả khách quan, chủ quan, nhưng chủ yếu do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, các văn bản hướng dẫn, phân bổ vốn, trình tự thủ tục giải ngân còn phức tạp, việc áp dụng cơ chế đặc thù có việc còn vướng mắc, không ít cán bộ có tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Từ những phân tích trên, đại biểu Mai Văn Hải đề xuất, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tập trung rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư; đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư, sử dụng vốn chương trình để hoàn thành đúng theo tiến độ, yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV.

Về chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng, mặc dù chính sách được kéo dài thực hiện đến hết 30.6.2024, tuy nhiên, qua thực tế giám sát cho thấy, chính sách này được doanh nghiệp đánh giá cao, vừa kích thích tiêu dùng, vừa kích thích sản xuất phát triển. Vì vậy, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét, cho phép tiếp tục kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho phù hợp với tình hình sản xuất của doanh nghiệp và người dân nói chung vẫn còn nhiều khó khăn và khả năng phục hồi, phát triển chưa thực sự bền vững.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 Quốc hội cho phép thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước bố trí cho các dự án thuộc Chương trình được cho phép thực hiện đến hết ngày 31.12.2024. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều dự án, dự kiến không đảm bảo thời gian thực hiện, giải ngân theo quy định, có những công trình đến quý II.2024 mới được khởi công. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội giao Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương đánh giá tình hình, khả năng thực hiện các dự án này trong năm 2024, khả năng cân đối vốn thực hiện trong các năm tiếp theo để hoàn thành được dự án.

“Trường hợp không cân đối được nguồn vốn để thực hiện dự án, đề nghị dừng ngay việc khởi công, triển khai, thực hiện để tránh lãng phí khi dự án triển khai dở dang, không cân đối được nguồn vốn. Đối với các dự án đang triển khai thực hiện, đề nghị có các giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn chương trình đến hết năm 2025 đối với các dự án có khả năng đến năm 2025 hoàn thành”, đại biểu Đặng Bích Ngọc lưu ý.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị, Quốc hội xem xét kéo dài việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và chương trình cho vay để mua, thuê mua nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội do những hiệu quả mà chính sách mang lại thời gian qua, đồng thời nhu cầu thực tế của người dân đối với chính sách trên còn rất lớn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid - 19, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu nhấn mạnh, cần rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc đánh giá các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân lý do một số chính sách đề ra tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia không đạt được yêu cầu đề ra. Có các giải pháp, rút kinh nghiệm trong công tác dự báo, đánh giá tác động, tính hiệu quả ngay từ khi đề xuất chính sách; việc tổ chức thực hiện để bảo đảm quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tránh thất thoát, lãng phí và hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/quan-ly-su-dung-co-hieu-qua-cac-nguon-luc-tranh-that-thoat-lang-phi-i372822/