Quản lý thị trường chủ động ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng nhái các sản phẩm vòng bi

Tổng cục Quản lý thị trường đã có làm việc với đoàn công tác thuộc Hiệp hội công nghiệp vòng bi thế giới về công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2020 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 71 vụ việc liên quan đến mặt hàng vòng bi, xử phạt vi phạm hành chính gần 1,6 tỷ đồng, thu giữ trên 210.000 sản phẩm vi phạm trị giá trên 2,9 tỷ đồng. Điển hình, ngày 11/12/2020, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra hộ kinh doanh Thiện Văn Bình địa chỉ tại Khu 5 phường Ka Long, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện ông Thiện Văn Bình đang bày bán 34.947 vòng bi giả mạo nhãn hiệu SKF, KOYO, xử phạt 215.000.000 đồng.

Thông tin tại chương trình làm việc với Đoàn công tác thuộc Hiệp hội công nghiệp vòng bi thế giới về công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái các sản phẩm vòng bi tại thị trường Việt Nam vừa qua, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, tại Việt Nam, trong thời gian qua, tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp và luôn luôn thay đổi để đối phó với các lực lượng chức năng. Phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát.

Sáng 16/3, Tổng Cục Quản lý thị trường đã có chương trình làm việc với Đoàn công tác thuộc Hiệp hội công nghiệp vòng bi thế giới về công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái các sản phẩm vòng bi tại thị trường Việt Nam

Sáng 16/3, Tổng Cục Quản lý thị trường đã có chương trình làm việc với Đoàn công tác thuộc Hiệp hội công nghiệp vòng bi thế giới về công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái các sản phẩm vòng bi tại thị trường Việt Nam

Thêm vào đó, hoạt động thương mại điện tử phát triển là cơ hội để tình trạng hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua mạng internet diễn ra ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp. Một số mặt hàng vi phạm nổi cộm bao gồm: Thời trang, hàng tiêu dùng, thực phẩm; vật tư nông nghiệp; dược phẩm; mỹ phẩm; vật liệu xây dựng; phụ tùng ô tô, xe máy,…

Trong những năm gần đây, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn từ năm 2021 đến 2025 (gọi tắt là Kế hoạch 888). Đây là kế hoạch bao quát toàn diện, đặt ra các mục tiêu cụ thể đối với các hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường từ tuyên truyền, ký cam kết, phối hợp, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Những nỗ lực của lực lượng Quản lý thị trường thời gian qua đã mang lại những kết quả, hiệu ứng tốt, nhận được đánh giá tích cực từ các doanh nghiệp, đại diện các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng. Lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc có quy mô lớn, có tính chất nghiêm trọng, liên địa bàn, có yếu tố tội phạm chuyển cơ quan điều tra để truy tố.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đánh giá cao sự chủ động của Hiệp hội vòng bi thế giới khi đề nghị làm việc trực tiếp với Tổng cục Quản lý thị trường trong công tác đấu tranh phòng chống mặt hàng vòng bi vi phạm trên thị trường Việt Nam.

"Để phòng, chống hàng lậu hàng giả đối với mặt hàng vòng bi, trước mắt cần tăng cường kiểm tra xử phạt đối tượng vi phạm" - Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nêu ý kiến.

Cũng theo Tổng Cục trưởng, việc cốt lõi là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để bản thân người tiêu dùng có ý thức phòng tránh trước; đặc biệt cần tuyên truyền cho đối tượng có phương tiện sử dụng vòng bi trong việc sử dụng hàng hóa chính hãng.

Đồng thời, cần nâng cao kiến thức cho hàng chục nghìn cửa hàng sửa chữa trên cả nước trong việc sử dụng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ trong việc thay thế cho người sử dụng.

Ông Uchida Koichi - Trưởng đoàn công tác thuộc Hiệp hội công nghiệp vòng bi thế giới - thông tin, đối với sản phẩm vòng bi hiện nay đã xuất hiện nhiều sản phẩm giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp, hiệp hội; đặc biệt ảnh hưởng tới sự an toàn, tính mạng của người sử dụng bởi mặt hàng này được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm hàng ngày.

Ông Uchida Koichi mong muốn được phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái đối với sản phẩm vòng bi kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Hầu hết số lượng vòng bi giả tại thị trường Việt Nam đến từ nhập lậu, chính vì vậy, Lãnh đạo Tổng cục đề nghị Hiệp hội có thêm các chương trình làm việc với lực lượng chức năng khác ở Việt Nam để có sự kiểm soát chặt từ biên giới.

Ông Trần Hữu Linh khẳng định, muốn phòng chống hàng giả nói chung cũng như mặt hàng vòng bi nói riêng một cách hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ từ hai phía là doanh nghiệp và cơ quan thực thi pháp luật. "Với khối lượng hàng hóa rất lớn trên thị trường Việt Nam hiện nay mà lực lượng Quản lý thị trường giám sát, quản lý, nếu có sự thông tin, cảnh báo từ phía doanh nghiệp đối với các mặt hàng vi phạm thì cơ quan thực thi pháp luật có thể nhanh chóng tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm" - Tổng Cục trưởng cho biết.

Đồng thời, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá cao thiện chí của Hiệp hội công nghiệp vòng vi thế giới trong công tác phòng chống vi phạm các mặt hàng được kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đồng thời khẳng định trong thời gian tới, sẽ sẵn sàng phối hợp hai chiều để ngăn chặn, xử lý nghiêm các sản phẩm vi phạm lưu thông trên thị trường.

Trang Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-thi-truong-chu-dong-ngan-chan-xu-ly-hang-gia-hang-nhai-cac-san-pham-vong-bi-246743.html