Quan tâm, đầu tư tôn tạo di tích quốc gia chùa Vích

Chùa Vích nằm trên địa bàn thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc (Hậu Lộc). Chùa Vích có tên chữ Hán là 'Bích Tiên tự', xưa kia chùa Vích do 3 xã (làng) Y Bích, Lộc Duyên, Tiên Xá chung nhau xây dựng, nên còn có tên là chùa Ba Xã. Đến thời Nguyễn, làng Tiên Xá sáp nhập với làng Lộc Duyên gọi là làng Lộc Tiên, vì vậy chùa được gọi thành tên ghép của 2 làng Y Bích và Lộc Tiên.

Quang cảnh Di tích quốc gia kiến trúc nghệ thuật chùa Vích, xã Hải Lộc (Hậu Lộc). Ảnh: Thế Sơn

Quang cảnh Di tích quốc gia kiến trúc nghệ thuật chùa Vích, xã Hải Lộc (Hậu Lộc). Ảnh: Thế Sơn

Chùa Vích được xây dựng vào đầu thế kỷ XIII (một số tài liệu cho rằng vào thế kỷ XVII), lúc đầu bằng tranh tre nên bị cháy nhiều lần. Thời vua Trần Nghệ Tông (ở ngôi 1370-1372), chùa Vích được xây dựng bằng gạch, ngói. Nhưng đến đời vua Lê Thánh Tông mới được dựng khang trang. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Vích vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, liêng thiêng.

Chùa Vích nằm cạnh kênh De, xung quanh là đồng ruộng bình yên, những ô chạt muối, khu nuôi trồng thủy sản của bà con Nhân dân. Con đường dẫn vào chùa có nhiều cây xanh, cổ thụ càng làm cho không gian chùa thêm linh thiêng. Ấn tượng đối với mỗi người dân và du khách khi đến tham quan, dâng hương tại chùa chính là cổng Tam quan rêu phong, cổ kính, với 3 gian, 2 tầng, cao đẹp, lộng lẫy. Gác chuông có ba chữ “Bích chung tự”, hai cột tam quan có đôi câu đối. Tạm dịch là: Sóng dẫn thuyền từ thế giới mong chờ qua bể khổ/ Cảnh nhờ cửa Phật, mộng hồn mau tới vượt sông mê.

Kiến trúc chính là chùa thờ Phật thiết kế theo hình chữ “Công”, mái cong, lợp ngói mũi hài, trên đình trụ đắp búp liên hoa. Trong chùa có 30 pho tượng cổ bằng đất nung và bằng gỗ mít, phủ sơn son. Trước sân chùa là cột Thiên đài, niên hiệu xây dựng Lê Vĩnh Thịnh lần thứ 16, năm Canh Tý (1720), chữ Hán được đục chìm trên cột vẫn còn. Phía Bắc sân chùa là hai bia đá: 1 tấm kê trên bệ đá, ghi tên những người cung tiến; 1 tấm rùa độ cao 1,35m, rộng 0,65m, dày 0,14m. Bia ghi “Tam Xã hưng công bi ký - Y Bích - Lộc Duyên - Tiên Xá”, cuối bia là niên hiệu dựng Chính Hòa thập niên - đời vua Lê Hy Tông - tháng 10, ngày tốt năm Kỷ Tỵ (1689). Người làm bia là Hoàng Đình Thuật, quê quán thôn Xuân Đỉnh, Ứng Thiên, đạo Sơn Nam (Nam Định ngày nay). Bia nhỏ ghi công đức Đô đốc Đại tướng quân Dương Bá Lao đã có công tôn tạo và cung tiến lớn để xây chùa.

Trong những năm 1936-1938, nhà cách mạng Đinh Chương Dương đóng vai sãi vào chùa hoạt động để che mắt giặc Pháp. Những năm 1940-1943, nhà thờ tổ là nơi mở lớp dạy chữ Quốc ngữ, tuyên truyền cách mạng cho thanh niên và kết nạp đảng viên. Chùa Vích là nơi linh thiêng, tôn kính và yên tĩnh nhất nên được các nhà hoạt động cách mạng dùng làm địa điểm hội họp và tuyên truyền Chủ nghĩa Mác- Lênin. Đây là nơi an toàn để các nhà chí sĩ cách mạng như: Đinh Chương Dương, Lê Hữu Lập, Lê Tất Đắc, Lê Mạnh Trinh, Đinh Chương Long, Đinh Chương Lân, Tố Hữu, Nguyễn Chí Hiền... trú ẩn trong những năm tháng hoạt động bí mật ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Cũng tại chùa này, cụ Đinh Chương Dương đã tổ chức thành công “Hội tương tế ái hữu” và là nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ huyện Hậu Lộc trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày 10/11/1994, chùa Vích được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Ngày 22/8/2008, chùa Vích được xếp hạng là di tích quốc gia kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 70/QĐ-BVHTTDL. Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều hạng mục xuống cấp cần được tiếp tục trùng tu, tôn tạo. UBND xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc có báo cáo đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh về sự cần thiết đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo chùa Vích. Phương án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vích đã được Sở VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xem xét, thẩm định và thống nhất. Trên cơ sở kết quả thẩm định, đề xuất và tham mưu của Sở VH,TT&DL, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương đầu tư và phương án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Vích, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc và được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 5/2024. Mục tiêu đầu tư là bảo quản, tu bổ, tôn tạo công trình di tích đã và đang bị xuống cấp, hư hỏng; từng bước hoàn thiện không gian, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân địa phương và du khách.

Thảo Nguyên

* Một số thông tin tư liệu được trích dẫn từ cuốn “Địa chí Hậu Lộc (NXB Khoa học xã hội, 2018) và Lý lịch di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Vích, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc theo Quyết định số 70/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 22/8/2008.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-tam-dau-tu-ton-tao-di-tich-quoc-gia-chua-vich-218719.htm