Quan tâm, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam phát triển kinh tế

Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam(HNNCĐDC)/Dioxin tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/Dioxin. Trong đó, mô hình hỗ trợ vốn cho hội viên phát triển kinh tế gia đình đang phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Thế Đê (bên trái ảnh), xóm 10C, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) với mô hình VAC đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Thế Đê (bên trái ảnh), xóm 10C, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) với mô hình VAC đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ các nguồn vốn, nhiều hội viên đã sử dụng đúng mục đích, có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế trở thành tấm gương lao động sản xuất giỏi và giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Ông Tạ Quang Chính, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Ninh Bình được thành lập năm 2006. Đến nay, toàn Hội có 7.011 hội viên, trong đó có 3.248 nạn nhân là hội viên.

Để xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm triển khai thực hiện tốt việc giải quyết các chính sách đối với NNCĐDC ; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Hàng năm, thực hiện quy định về việc sử dụng vốn vay hỗ trợ sản xuất cho các hội viên nạn nhân chất độc da cam, Hội đã rà soát, kiểm tra các hộ NNCĐDC có nhu cầu vay vốn để có giải pháp tạo thuận lợi cho hội viên được vay vốn phát triển kinh tế.

Trong 5 năm (2016 - Tháng 6/2021) toàn tỉnh có 123.041 lượt đối tượng là NNCĐDC nhận được ủng hộ, giúp đỡ với hơn 35 tỷ 800 triệu đồng. Theo đó, Hội đã hỗ trợ vốn vay sản xuất cho 93 hộ với tổng số tiền hơn 650 triệu đồng. Quỹ Nạn nhân chất độc da cam tỉnh được thành lập năm 2017, ngay sau khi thành lập, Hội đồng quản lý quỹ đã quyết định trích 120 triệu đồng cho 16 hộ NNCĐDC vay vốn sản xuất, không tính lãi, được luân chuyển hàng năm cho tới nay... Từ đó, nhiều hội viên được vay vốn đã sử dụng có hiệu quả, tạo được nguồn thu nhập ổn định để vươn lên trong cuộc sống.

Ông Đặng Ngọc Toàn, xóm Chợ Dầu, xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, là thương binh, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam cho biết: Sau khi về địa phương, được các cấp Hội hỗ trợ về nguồn vốn, ông bắt tay vào thành lập xưởng sản xuất cơ khí. Nhờ đó, gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống cải thiện, nhà cửa được xây dựng khang trang.

Hiện nay, xưởng cơ khí của gia đình ông có doanh thu gần 1 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho 21 lao động địa phương là con em cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn với mức lương tối thiểu 8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Thế Đê, xóm 10C, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh sau khi tham gia kháng chiến trở về địa phương với nhiều vết thương trên người, ông lại bị nhiễm chất độc da cam, hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, nên cuộc sống càng nhiều chông gai.

Ông Đê chia sẻ: "Năm 2012, tôi tham gia Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Yên Khánh và được sự động viên, quan tâm và tạo nguồn vốn của các cấp Hội, sự giúp đỡ của anh em đồng đội, tôi đã cải tạo đất hoang hóa, có 5 mẫu ao thả cá, ở trên bờ nuôi lợn, gà, vịt và trồng cây ăn quả. Từ đó thu nhập tăng cao, đời sống gia đình tôi được cải thiện".

Trừ chi phí, tổng thu nhập mỗi năm của gia đình ông đạt từ 700 - 800 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong xóm, với thu nhập 4 triệu đồng/người/ tháng.

Cùng với sự hỗ trợ từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh, các cấp HNNCĐDC ở các huyện, thành phố cũng chủ động quyên góp quỹ Hội, thành lập nhóm để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam làm kinh tế.

Ông Chu Huy Tới, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Yên Khánh cho biết: Toàn huyện có gần 800 NNCĐDC. Những năm qua, Hội luôn xác định phải tích cực vận động các nguồn lực để chăm sóc giúp đỡ nạn nhân da cam, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp hội. Do đó Hội đã tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tăng cường kết hợp với MTTQ, các ban, ngành, cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vay vốn, giúp đỡ các nạn nhân da cam khó khăn . Từ năm 2011 đến nay, Hội đã hỗ trợ vay vốn cho hơn 80 hộ NNCĐDC với số tiền gần 400 triệu đồng.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh tranh thủ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội để tăng thêm nguồn quỹ, có điều kiện giúp đỡ hội viên khám chữa bệnh, phát triển kinh tế, hỗ trợ những trẻ em là nạn nhân da cam vượt khó trong học tập, giúp đỡ nạn nhân da cam ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Bài, ảnh, video: Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/quan-tam-ho-tro-nan-nhan-chat-doc-da-cam-phat-trien-kinh-te/d20210806151556139.htm