'Quản trị biến động' đưa Petrovietnam vươn lên mạnh mẽ

Từ năm 2019 đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã chứng minh khả năng thích ứng và đổi mới trong bối cảnh ngành dầu khí thế giới không ngừng biến động. Đối mặt với vô vàn thách thức từ dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, đến các bất ổn địa chính trị, Petrovietnam đã kiên trì thực hiện các cải cách quản trị, đưa 'quản trị biến động' thành chiến lược cốt lõi. Cách tiếp cận thận trọng và linh hoạt, không chỉ giúp Tập đoàn vững vàng vượt qua nhiều 'cú sốc' của biến động thị trường, mà còn lập nhiều kỷ lục trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không những đáp ứng mục tiêu 5 năm đề ra mà còn có những đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Quản trị biến động - Từ khủng hoảng đến ổn định và phát triển bền vững

Giai đoạn 2016-2019 đánh dấu thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử của Petrovietnam khi Tập đoàn rơi vào khủng hoảng toàn diện. Khủng hoảng bắt nguồn từ các khó khăn nội tại, sự suy giảm niềm tin và tình hình thị trường bất ổn khiến sản lượng khai thác liên tục giảm. Nhiều dự án, đặc biệt là các dự án điện rơi vào tình trạng bế tắc, các đơn vị thành viên phải đối mặt với thua lỗ triền miên, dường như không có lối thoát. Để vượt qua khủng hoảng và đối mặt với những thách thức mới, Petrovietnam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt hàng loạt giải pháp từ năm 2020 nhằm biến “nguy” thành “cơ.” Trong đó, chiến lược “Quản trị biến động” nổi bật lên với là vai trò của giúp Tập đoàn không chỉ vượt khó ngoạn mục mà còn đạt được những kết quả ấn tượng, trở thành nền tảng cho sự phục hồi và phát triển bền vững của Tập đoàn.

“Quản trị biến động” chính là phương thức quản trị mới mà Petrovietnam phát triển, nhằm mục tiêu ứng phó hiệu quả trước mọi tình huống khó lường. Với phương châm “Quản trị biến động, Tối ưu giá trị, Đẩy mạnh tiêu thụ, Nỗ lực vượt khó, Nắm bắt cơ hội, An toàn về đích”, Petrovietnam đã vượt qua khủng hoảng kép của đại dịch COVID-19 và giá dầu thô giảm mạnh vào năm 2020 - một thử thách chưa từng có trong lịch sử. Đáng chú ý, với nỗ lực từ chiến lược “quản trị biến động”, Petrovietnam đã là một trong số ít các tập đoàn dầu khí trên thế giới giữ vững lợi nhuận, đạt gần 20.000 tỷ đồng trong giai đoạn khó khăn nhất.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về chiến lược giảm phát thải CO2 của Tập đoàn.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về chiến lược giảm phát thải CO2 của Tập đoàn.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch tiếp tục lan rộng và kinh tế toàn cầu lao đao, Petrovietnam lại một lần nữa đối mặt với tình thế khó khăn do sức tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu, khí tự nhiên, và đạm đều giảm mạnh. Tuy nhiên, từ bài học ứng phó hiệu quả năm 2020, Tập đoàn đã đưa ra phương châm hành động năm 2021 là “Quản trị biến động, Tối đa giá trị, Mở rộng thị trường, Tận dụng cơ hội, Liên kết đầu tư, Phục hồi tăng trưởng”. Những nỗ lực này đã giúp Petrovietnam đạt mục tiêu phục hồi tăng trưởng và vượt qua các sóng gió lớn, hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Năm 2022, Petrovietnam phải đối mặt với một loạt các biến động địa chính trị, từ xung đột đến hậu quả của đại dịch. Nhưng thay vì bị áp lực chồng chéo, Tập đoàn đã tận dụng thời cơ từ các thay đổi trong thị trường năng lượng và đưa ra phương châm “Quản trị biến động, Đón đầu xu hướng, Kết nối nguồn lực, Phát huy công nghệ, Thúc đẩy đầu tư, Phát triển bền vững”. Chính nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Petrovietnam đã thiết lập nhiều kỷ lục về sản lượng và doanh thu, trở thành một trong những đơn vị chủ chốt đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng và đoàn công tác kiểm tra thực tế hoạt động Kho cảng LNG Thị Vải

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng và đoàn công tác kiểm tra thực tế hoạt động Kho cảng LNG Thị Vải

Bước vào năm 2023, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dầu khí nói riêng tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Giá dầu thô suy giảm mạnh từ 17-38%, cùng với những biến động lớn về cung - cầu và áp lực cạnh tranh trong thị trường năng lượng. Đối với Petrovietnam, đây không chỉ là năm của thách thức mà còn là cơ hội để khẳng định sức mạnh từ đổi mới quản trị.

Bằng phương châm hành động “Quản trị biến động - Mở rộng quy mô - Tăng tốc chuyển đổi số - Dịch chuyển mô hình - Nâng cao năng suất - Tái tạo kinh doanh”, Petrovietnam đã đạt được những kết quả vượt bậc. Toàn Tập đoàn đạt doanh thu kỷ lục, vượt mức 11,6 nghìn tỷ đồng so với kỷ lục năm trước, chiếm 9,2% GDP cả nước và đóng góp 9% tổng thu ngân sách Nhà nước. Đây là minh chứng rõ nét cho sự hiệu quả của quản trị biến động, đồng thời khẳng định vị trí chủ đạo của Petrovietnam trong an ninh năng lượng quốc gia..

Trong các chỉ tiêu sản xuất chủ yếu, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức từ 2-33% so với kế hoạch Chính phủ giao, với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao so với năm 2022 như điện tăng 31%, sản xuất xăng dầu tăng 7,3%, và kinh doanh xăng dầu tăng 11,2%. Tổng tiết kiệm toàn Tập đoàn trong năm 2023 cũng đạt 3.072 tỷ đồng, vượt 37% so với kế hoạch. Đáng chú ý, Petrovietnam lập kỷ lục về sản xuất xăng dầu và đạm hạt đục, đồng thời đạt tổng doanh thu cao nhất trong lịch sử ngành dầu khí sau 62 năm thành lập.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục bất ổn, bước sang năm 2024, Petrovietnam kiên trì theo đuổi chiến lược mở rộng quy mô và tái cấu trúc hạ tầng kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động quốc tế để gia tăng giá trị bền vững. Đặc biệt, Tập đoàn tích cực phát triển các sản phẩm mới, tiến hành chuyển đổi số và mở rộng thị trường để tạo nền tảng phát triển dài hạn.

Kho cảng LNG Thị Vải

Kho cảng LNG Thị Vải

Nhờ những nỗ lực trong sản xuất kinh doanh (SXKD), với mục tiêu đặt ra năm sau cao hơn năm trước trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu của Petrovietnam ước đạt 736.500 tỉ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm, về đích trước 3 tháng, tăng 12% so với cùng kỳ 2023; nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 115.200 tỉ đồng; hoàn thành toàn diện 6/6 chỉ tiêu tài chính cả năm 2024 theo kế hoạch pháp lệnh Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Hội đồng Thành viên giao, về đích trước từ 3-5 tháng. Trong đó, 5/6 chỉ tiêu tăng trưởng từ 9-31%: doanh thu toàn Tập đoàn tăng 12%; nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn tăng 9%; doanh thu hợp nhất tăng 14%.

Với kết quả đạt được trong những năm qua, tính đến tháng 6/2024, Petrovietnam đã hoàn thành 10/12 chỉ tiêu theo kế hoạch 5 năm 2021-2025, đặc biệt là 2 chỉ tiêu rất quan trọng là lợi nhuận và nộp ngân sách. Ước đến hết năm 2024, Petrovietnam sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm về tổng doanh thu. Như vậy, sau 3 năm (2021-2024) Petrovietnam đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu tài chính theo kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Không chỉ duy trì đà tăng trưởng, phát triển ổn định qua các năm, thông qua “quản trị biến động”, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam đã tích cực và quyết liệt đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển, giải quyết dứt điểm các dự án khó khăn, vướng mắc của một số dự án trọng điểm, như “hồi sinh” đưa vào vận hành Nhà máy điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1; khánh thành kho cảng LNG 1 triệu tấn/năm Thị Vải; đẩy nhanh tiến độ các dự án NMNĐ Nhơn Trạch 3 - 4,… góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.

Quản trị biến động - Mô hình quản trị thành công của Petrovietnam

Có thể nói, “quản trị biến động” không chỉ là một chiến lược mà đã trở thành văn hóa quản trị tại Petrovietnam. Nhờ vào phương thức quản trị này, Tập đoàn đã liên tục đạt kết quả sản xuất kinh doanh tích cực qua từng năm, đối phó hiệu quả với nhiều tình huống khó lường từ đại dịch đến suy giảm giá dầu. Quản trị biến động đã giúp Petrovietnam chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, từ đó luôn giữ được sự bình tĩnh và khả năng thích nghi cao trước các biến động vĩ mô.

Phương thức quản trị biến động còn tạo ra văn hóa ứng phó nhanh nhạy, giúp Petrovietnam có thể dự báo, đề ra giải pháp phù hợp cho từng tình huống, hạn chế tối đa các thiệt hại từ biến động tiêu cực, đồng thời khai thác tốt các cơ hội. Đây là một yếu tố quan trọng giúp Tập đoàn giữ vững vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh năng lượng quốc gia và ổn định thị trường xăng dầu của Việt Nam.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng thị sát khu vực thi công chân đế điện gió ngoài khơi của PTSC

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng thị sát khu vực thi công chân đế điện gió ngoài khơi của PTSC

Trong bối cảnh ngành dầu khí đang chứng kiến sự chuyển dịch nhanh chóng sang năng lượng xanh, Petrovietnam cũng đã bắt đầu triển khai các dự án về điện gió ngoài khơi và hợp tác quốc tế để phát triển năng lượng tái tạo. Với phương châm “Quản trị biến động, Bổ sung động lực mới, Làm mới động lực cũ, Tạo nguồn năng lượng mới, Vươn tới những đỉnh cao”, Petrovietnam không ngừng nỗ lực xây dựng hệ sinh thái năng lượng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường quốc tế.

Dự kiến trong năm 2024, Petrovietnam sẽ tiếp tục giữ vững mục tiêu tăng trưởng 3,5-6%, đồng thời mở rộng các quan hệ ngoại giao và hạ tầng kinh doanh để tăng cường năng lực quốc tế. Những bài học kinh nghiệm và thành công từ đổi mới quản trị sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy Tập đoàn vượt qua những thách thức phía trước và khai thác hiệu quả các cơ hội mới từ xu hướng chuyển dịch năng lượng.

Việc xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi, điển hình như hợp tác với Công ty Sembcorp Utilities Ltd. để xuất khẩu điện từ năng lượng tái tạo sang Singapore, là một trong những bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa cơ cấu nguồn cung năng lượng của Petrovietnam. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các sản phẩm hóa chất, hóa dầu thân thiện với môi trường, như sản xuất các sản phẩm PP Filler Masterbatch và Compound từ bột PP. Những sản phẩm này không chỉ giúp Petrovietnam gia tăng giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng mà còn khẳng định vị thế của Tập đoàn trên thị trường quốc tế.

Một góc đại công trường chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi ở cảng PTSC

Một góc đại công trường chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi ở cảng PTSC

Bên cạnh đó, Petrovietnam cũng định hướng phát triển nền tảng số để tối ưu hóa công tác quản trị, nâng cao hiệu suất sản xuất kinh doanh và tăng cường trải nghiệm khách hàng. Tập đoàn đã hoàn thành số hóa toàn bộ các văn bản và tích hợp hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) với dữ liệu từ các nhà máy thông minh, nhằm tạo ra một hệ sinh thái đồng bộ và hiệu quả. Với định hướng này, Petrovietnam đặt mục tiêu không chỉ là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực dầu khí, mà còn trở thành một tập đoàn năng lượng tích hợp số hóa và thân thiện với môi trường.

Một trong những thành tựu nổi bật của Petrovietnam trong quá trình đổi mới quản trị còn là việc xây dựng một văn hóa doanh nghiệp vững mạnh, lấy các giá trị cốt lõi "Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình" làm nền tảng. Hệ giá trị này đã thấm sâu vào đời sống doanh nghiệp, tạo ra động lực và tinh thần đoàn kết cho toàn thể cán bộ, nhân viên trong Tập đoàn. Đặc biệt, Petrovietnam cũng đã chú trọng tới việc phát triển thương hiệu, đến nay giá trị thương hiệu đã đạt gần 1,4 tỷ USD và được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings đánh giá ở mức BB+ suốt 5 năm liên tiếp.

Sự kết hợp giữa chiến lược “quản trị biến động” và văn hóa doanh nghiệp bền vững đã tạo ra nền móng vững chắc để Petrovietnam không ngừng tiến xa. Tập đoàn luôn kiên định với sứ mệnh đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp tích cực vào ổn định kinh tế và xã hội, đặc biệt là trong các thời kỳ khó khăn. Trong bối cảnh ngành dầu khí toàn cầu đang chịu nhiều áp lực từ xu hướng chuyển dịch năng lượng, sự kiên định và đổi mới của Petrovietnam tiếp tục mang lại niềm tin lớn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đoàn lãnh đạo Petrovietnam khảo sát khu vực dự kiến đầu tư dự án tại Long Sơn

Đoàn lãnh đạo Petrovietnam khảo sát khu vực dự kiến đầu tư dự án tại Long Sơn

Sáu năm đổi mới quản trị và phát triển theo chiến lược “quản trị biến động” đã giúp Petrovietnam đạt được nhiều thành tựu to lớn. Những bài học kinh nghiệm quý báu từ thời kỳ khủng hoảng, cùng với các kỷ lục kinh doanh và đổi mới bền vững, là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn và chiến lược đúng đắn của Tập đoàn. Không chỉ là trụ cột kinh tế của đất nước, Petrovietnam còn trở thành biểu tượng của sự tự lực, tự cường và không ngừng đổi mới trong ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam.

Trên chặng đường phía trước, với tầm nhìn chiến lược và sự quyết tâm cao độ, Petrovietnam cam kết tiếp tục nỗ lực hết mình để phát triển ổn định, bền vững và vươn ra toàn cầu. Chiến lược quản trị biến động không chỉ giúp Petrovietnam thích nghi trước biến đổi của thế giới mà còn giúp Tập đoàn không ngừng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn vào an ninh năng lượng quốc gia cùng sự phồn thịnh của đất nước.

TS Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

TS Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

“Mặc dù sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đồng thời cũng mở ra những thời cơ, vận hội mới; với phương châm “Quản trị biến động, Bổ sung động lực mới, Làm mới động lực cũ, Tạo nguồn năng lượng mới, Vươn tới những đỉnh cao”, các đơn vị trong toàn Tập đoàn cần tập trung vào một số nhóm giải pháp, thúc đẩy động lực về văn hóa trên tinh thần kế thừa đà phát triển những năm qua với tinh thần “Một đội ngũ - Một mục tiêu”, tái tạo văn hóa và nâng tầm văn hóa về tăng trưởng, đoàn kết thống nhất, tuân thủ pháp luật, sự phối kết hợp giữa các đơn vị… Cùng với đó, tạo động lực về thể chế trở thành động lực phát triển của Tập đoàn. Muốn làm được điều đó cần cụ thể hóa trong từng lĩnh vực về quản trị doanh nghiệp theo phương châm làm mới động lực cũ để dịch chuyển mô hình kinh doanh; tiếp tục khai thác động lực về việc mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, hiệu suất, mở rộng thị trường kinh doanh quốc tế dựa trên các quan hệ song phương, đa phương; quản trị đầu tư, danh mục đầu tư các dự án đầu tư, tối ưu các loại chi phí, cuối cùng tập trung hoàn thiện đề án tái cấu trúc đồng bộ với mô hình và hệ thống quản trị của Tập đoàn.”

TS Lê Mạnh Hùng -
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Trúc Lâm

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/quan-tri-bien-dong-dua-petrovietnam-vuon-len-manh-me-719677.html