Quảng Bình: Kinh nghiệm xây dựng các mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản

Là tỉnh có nhiều xã miền núi, vùng biên giới, Quảng Bình bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, một số địa phương vùng cao nơi đây đã tìm được cách làm riêng phù hợp với khả năng của mình và mang lại hiệu quả cao trong quá trình triển khai xây dựng NTM cấp thôn, bản.

Xét thấy 15/19 tiêu chí NTM liên quan đến thôn, bản, Quảng Bình đã chủ động triển khai thực hiện mô hình NTM cấp thôn, bản. Theo đó, mỗi xã chọn một, hai bản để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ sinh kế cho người dân, xây dựng bản NTM. Từ các điểm sáng này sẽ tạo tiền đề và lan tỏa sang những bản, làng khác.

 Bà con tham gia vệ sinh đường thôn, bản

Bà con tham gia vệ sinh đường thôn, bản

Trong đó, huyện nghèo Minh Hóa đã chọn 4 bản gồm: Bản Dộ - Tà Vờng (xã Trọng Hóa), bản Ka Ai (xã Dân Hóa), bản Lương Năng (xã Hóa Sơn) và bản Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa) để xây dựng bản NTM. Ðây là các bản có 100% số đồng bào dân tộc Chứt sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tuy nhiên, điểm chung là các bản đều có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội và có nhiều nét văn hóa riêng biệt, có thể phát huy giá trị. Ðể thực hiện mục tiêu đặt ra, UBND huyện đã phân công và gắn trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan chức năng với đồn biên phòng các xã. Đồng thời, bám sát đề án "Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025", sử dụng nguồn vốn để hỗ trợ các bản xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo định hướng tiêu chí NTM. Thời gian qua, huyện Minh Hóa đã hỗ trợ sản xuất cho đồng bào bằng cách trợ giúp giống, một số vật tư đầu vào phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào; đào tạo, sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Tháng 5/2019, huyện Lệ Thủy đã ban hành Kế hoạch số 1064/KH-UBND nhằm triển khai xây dựng thôn, bản đạt chuẩn NTM tại các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Kế hoạch tiến tới xây dựng thôn, bản đạt chuẩn NTM bền vững, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tạo liên kết chuỗi, gắn với phát triển nông - tiêu thủ công nghiệp, dịch vụ… Kế hoạch cũng gắn với mục tiêu cụ thể là triển khai đồng bộ tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM tại các xã ĐBKK, trong đó lựa chọn 03 bản để chỉ đạo điểm.

Cụ thể, phấn đấu có 01 bản là Xà Khía (xã Lâm Thủy) hoàn thành các tiêu chí để công nhận thôn, bản đạt chuẩn NTM và có 50% số bản hoàn thành từ 08 tiêu chí trở lên. Năm 2020 phấn đấu có 02 bản là bản Khe Khế (xã Kim Thủy) và bản Đá Còi (xã Ngân Thủy) hoàn thành các tiêu chí để công nhận thôn, bản đạt chuẩn NTM và có 75% số bản hoàn thành từ 08 tiêu chí trở lên, không còn bản dưới 05 tiêu chí. Để đạt được mục tiêu này, Lệ Thủy yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quán triệt thống nhất về nhận thức chung theo quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM về xây dựng thôn, bản đạt chuẩn NTM giai đoạn 2019 - 2020; cấp ủy, chính quyền các xã chỉ đạo tổ chức rà soát theo nội dung các tiêu chí quy định để lựa chọn, tập trung chỉ đạo điểm.…

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Lệ Thủy phấn đấu có trên 90% xã đạt chuẩn NTM, có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 10-15 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đối với chỉ tiêu xã hội, huyện phấn đấu đến năm 2025 có trên 85% trường đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn duy trì vững chắc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; trên 93% làng văn hóa; trên 95% cơ quan, đơn vị được công nhận văn hóa, trên 90% gia đình văn hóa; trên 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 99% hộ dùng nước hợp vệ sinh; trên 95% hộ gia đình tham gia thu gom rác thải...

Tuyên Hóa là huyện miền núi có 11 xã ĐBKK, hai xã có đông đồng bào DTTS sinh sống. Nhằm hỗ trợ các thôn, bản ĐBKK xây dựng NTM, Huyện ủy Tuyên Hóa đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị giúp đỡ, gắn bó với một địa chỉ cụ thể. Trong đó, Ủy ban MTTQ huyện nhận trách nhiệm hỗ trợ 5 bản nghèo trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Ủy ban MTTQ huyện đã quyên góp kinh phí giúp các hộ đồng bào dân tộc Chứt sửa chữa nhà cửa, ổn định đời sống. Nguồn kinh phí được chuyển thẳng về cho các thôn, bản mua vật liệu, đưa đến tận nhà, ngày công người dân phải tự huy động. Tranh thủ các ngày nghỉ cuối tuần, cán bộ trẻ cơ quan MTTQ và Huyện đoàn huy động đoàn viên, thanh niên các đơn vị, địa phương đến giúp sửa nhà cho bà con người Chứt. Được giao nhiệm vụ giúp đỡ thôn 5 - một trong những thôn ĐBKK của xã miền núi Ngư Hóa, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuyên Hóa đã tổ chức nhiều đợt hành quân dã ngoại kết hợp giúp đỡ thôn 5 xây dựng nông thôn mới. Ðơn vị đã ủng hộ hàng chục triệu đồng mua thiết bị nhà văn hóa, tặng quà gia đình chính sách, tổ chức cho bộ đội cùng với nhân dân làm đường giao thông, vệ sinh đường làng.

Những cách làm sáng tạo này bước đầu góp phần nâng cao đời sống người dân và tạo chuyển biến tích cực bộ mặt nông thôn vùng cao Tuyên Hóa. Qua đó, huy động sức mạnh tổng lực cho công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống của bà con và góp phần xây dựng NTM.

Năm 2020, Quảng Bình phấn đấu có thêm ít nhất 11 xã đạt chuẩn NTM, trong đó bao gồm 1 xã chuyển tiếp từ năm 2019; 12 xã đạt NTM nâng cao; 3 xã đạt NTM kiểu mẫu và có thêm từ 147 đến 157 vườn mẫu; 25 khu dân cư kiểu mẫu; phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 3 đến 5 sản phẩm đạt từ 1 đến 3 sao theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.

Việt Hoàng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-binh-kinh-nghiem-xay-dung-cac-mo-hinh-nong-thon-moi-cap-thon-ban-147985.html