Quang Bình nâng cao giá trị sản phẩm cam Sành

Là một trong những vùng trồng cam Sành trọng điểm của tỉnh, những vườn cam không chỉ mang lại cơ ngơi bạc tỷ cho người dân mà còn đóng góp rất lớn vào giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Quang Bình. Niên vụ 2019 - 2020, với sản lượng ước đạt trên 13.000 tấn quả; huyện đang nỗ lực xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cam Sành.

Cam Sành thôn Mác Hạ, xã Tân Trịnh vào vụ thu hoạch.

Cam Sành thôn Mác Hạ, xã Tân Trịnh vào vụ thu hoạch.

Từ lâu, cây cam Sành sinh sôi, phát triển trên đất Quang Bình được người tiêu dùng trên khắp vùng miền cả nước biết đến bởi những trái cam có vỏ sần sùi, hương vị ngọt ngào, cùi dày nên để được dài ngày. Những năm qua, nhờ việc tập trung chăm sóc cam Sành, loại cây này đã và đang đem lại cuộc sống ấm no, giàu có cho bao người dân. Đến nay, tổng diện tích trồng cam Sành của huyện đạt 2.682 ha; trong đó, gần 1.120 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; năng suất bình quân đạt 9,8 tấn/ha; giá thương lái thu mua vào thời điểm chính vụ khoảng 10 - 15 nghìn đồng/kg; giá trị hàng hóa đạt trên 300 tỷ đồng/năm. Những vựa cam lớn chủ yếu tập trung ở 7 xã: Vĩ Thượng, Tiên Yên, Hương Sơn, Yên Hà, Xuân Giang, Bằng Lang, Tân Trịnh.

Dựa theo những nội dung cụ thể trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã xác định quy hoạch lại toàn bộ diện tích trồng cam và tìm hướng liên kết, xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm để tạo bước đột phá cho việc phát triển cây cam Sành. Nhằm giữ gìn danh tiếng, huyện đã hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân thâm canh vườn cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, khuyến khích người trồng cam thành lập 19 tổ hợp tác (THT), 3 HTX để cùng trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch cho đến tiêu thụ cam. Giờ đây, vào mỗi vụ thu hoạch, cam được gắn tem, nhãn mác, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, thuận tiện.

Ông Hoàng Trung Cường, thôn Mác Hạ, xã Tân Trịnh cho biết: “Nhà tôi trồng 2 ha cam Sành và áp dụng hoàn toàn theo quy trình VietGAP khá nghiêm ngặt, bài bản; dùng chủ yếu phân hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên tạo ra những trái cam thơm ngon, đảm bảo chất lượng; mỗi năm, thu hoạch trên 20 tấn quả. Vì tôi tự mang cam đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố nên giá bán cao hơn; thu nhập hàng năm đạt 150 - 200 triệu đồng. Không thể phủ nhận, nhờ cây cam Sành mà nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, có vốn tích lũy để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, vài năm gần đây, giá bán cam bấp bênh, người dân luôn phải đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá”, quả cam để lâu trên cây, ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng vụ sau. Tôi mong muốn các cấp, các ngành giúp tìm đầu ra ổn định cho san phẩm cam Sành để chúng tôi yên tâm gắn bó với cây cam”.

Năm 2019, huyện xây dựng vườn cam Sành mẫu quy mô 2 ha tại thôn Buông, xã Tiên Yên để làm điểm tổ chức lại sản xuất và giúp cho THT, HTX và người trồng cam nắm bắt được các bước chăm sóc, cắt tỉa, thu hái, bảo quản và xúc tiến quảng bá theo chuỗi giá trị sản phẩm. Ngoài ra, ngành chuyên môn phối hợp với các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT xây dựng vùng sản phẩm cam chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ ổn định với diện tích 20 ha tại 2 xã Hương Sơn, Yên Hà. Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện tổ chức gặp mặt, kết nối với các tổ chức, cá nhân để ký kết tiêu thụ sản phẩm cam Sành; xây dựng kế hoạch cùng với các THT, HTX chuẩn bị các điều kiện tham gia gian hàng trong các siêu thị ở thành phố Hà Nội, Hải Phòng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, Phùng Viết Vinh khẳng định.

Mùa cam Sành đã đến, nông dân Quang Bình lại tất bật thu hoạch quả đặc sản vàng óng trên khắp sườn đồi.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201912/quang-binh-nang-cao-gia-tri-san-pham-cam-sanh-752948/