Quảng Nam: Phát triển hài hòa giữa kinh tế-xã hội và môi trường

) – Sau 20 năm tái lập tỉnh, Quảng Nam từ một địa phương nghèo đã đạt được những thành tựu phát triển khá toàn diện, bền vững. Một mặt, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp-du lịch-dịch vụ. Mặt khác vẫn chăm lo phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội với mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017 và 20 năm Quảng Nam tái lập tỉnh (1997-2017), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang đã dành cho phóng viên Báo điện tử Chính phủ cuộc phỏng vấn về thành tựu đạt được cũng như quyết tâm phát triển của địa phương trong năm mới.

20 năm bứt phá

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, cách đây 20 năm (1997), tỉnh Quảng Nam được tái lập với nhiều bộn bề khó khăn. Xin ông cho biết, Quảng Nam đã xác định cần phải bứt phá vươn lên bằng nhân tố con người và cơ chế chính sách như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Quang: 20 năm trước, Quảng Nam là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, kinh tế thuần nông với kết cấu hạ tầng rất kém. Năm đầu tiên thu ngân sách chỉ đạt hơn 120 tỷ đồng, trong khi phải chi hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, thu ngân sách của tỉnh mới chỉ đáp ứng được hơn 10% nhu cầu. Vốn cố định các doanh nghiệp Nhà nước được giao quản lý lúc bấy giờ chỉ có khoảng 40 tỷ đồng; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật hầu như không có gì.

Quảng Nam còn phải gánh chịu sự tàn phá nặng nề, liên tiếp do lũ lụt gây ra. Gần như sự tích góp của người dân đã bị thiên tai cướp đi... Cũng chính từ trong khó khăn đó, tinh thần vượt khó, đi lên lại được khơi dậy mạnh mẽ trong toàn tỉnh.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã khẳng định quyết tâm xây dựng nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch một cách cơ bản cơ cấu kinh tế lạc hậu sang công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Việc đặt ra cơ cấu kinh tế như vậy cũng không hề đơn giản, bởi nông nghiệp của tỉnh đang chiếm tỉ trọng lớn. Nhưng định hướng phát triển này đã nhận được sự đồng thuận rất cao, đồng thời cũng thể hiện rõ quyết tâm đổi mới, sự mạnh dạn của Quảng Nam trong hành trình xây dựng, phát triển quê hương.

Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đến thứ XIX, XX, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam quyết tâm đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, phấn đấu tới năm 2015 phải có cơ cấu kinh tế công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp. Sau đó, tăng mạnh tỉ trọng và phát triển song song công nghiệp và dịch vụ, đồng thời đưa khối dịch vụ vượt lên hàng đầu vào giai đoạn sau năm 2015; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Đảng bộ Quảng Nam đã tập trung lãnh đạo thực thi những giải pháp cụ thể như: Đẩy nhanh tốc độ phát triển các khu, cụm công nghiệp; tăng cường công tác cải cách hành chính; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực; cải thiện môi trường đầu tư; xây dựng những sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trong đó, ba lĩnh vực đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực được triển khai quyết liệt. Nhiều chủ trương nhằm tạo sự thay đổi căn bản trong phát triển đã được Tỉnh ủy ban hành.

Sự kiện được coi bứt phá nhất là Quảng Nam được Chính phủ đồng ý xây dựng và phát triển khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế đầu tiên hoạt động theo cơ chế mở, vượt trội. Đây được coi là mô hình thí điểm, với các cơ chế thông thoáng nhất nhằm thu hút vốn đầu tư, phát triển công nghiệp-du lịch-dịch vụ. Chính sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đó, cùng với việc ra Nghị quyết về xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp (Nghị quyết 08-NQ/TU) đã trở thành “kim chỉ nam” cho hành động, là động lực để đưa Quảng Nam hình thành vóc dáng như hôm nay.

Những thành công bước đầu trong thời gian qua có được một phần là nhờ Quảng Nam đã xác định được các nhiệm vụ đột phá để tạo động lực phát triển, như: Cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách hành chính. Từ những chủ trương này, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ. Các dự án, chương trình đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông.

Nhiều tuyến giao thông quan trọng đã được đầu tư nâng cấp và xây mới như tuyến Quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đường Đông Trường Sơn (đoạn qua địa bàn tỉnh), tuyến đường ven biển và cầu Cửa Đại..., tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế được tập trung đầu tư, góp phần thu hút và triển khai nhiều dự án. Hạ tầng đô thị, nông thôn được quan tâm đầu tư.

Nhiều chương trình, đề án về phát triển nguồn nhân lực được tích cực triển khai. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện có hiệu quả. Các chính sách về thu hút bác sĩ; tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn được chú trọng. Giáo dục-đào tạo được quan tâm, công tác dạy nghề được đổi mới, chất lượng dạy nghề từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỉ lệ lao động nông, lâm, ngư nghiệp, tăng tỉ lệ lao động trong ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ-du lịch.

Môi trường đầu tư từng bước được cải thiện tốt hơn, các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản trị và hành chính công được nâng lên đáng kể. Năm 2015, chỉ số PCI đạt 60,06 điểm, đứng vị trí thứ 08/63; chỉ số PAPI đạt 36,52 điểm, xếp vị trí thứ 20/63 tỉnh, thành trong cả nước. Công tác cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến tích cực, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và triển khai dự án.

Sản xuất ô tô trong khu kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Sản xuất ô tô trong khu kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Vượt qua nhiều thách thức, sau 20 năm, Quảng Nam đã chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội.

Những dấu ấn lớn trong đời sống kinh tế, giải quyết vấn đề an sinh xã hội trong thời gian qua có thể kể đến là giảm nghèo bền vững, phát triển miền núi và xây dựng nông thôn mới.

Tổng vốn đầu tư công 5 năm qua cho khu vực miền núi đạt hơn 7.750 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với giai đoạn 2006-2010; trong đó, vốn ngân sách tỉnh khoảng 24%, vốn từ các chương trình, chính sách của Trung ương cho miền núi khoảng 52,2%, phần còn lại là vốn trái phiếu Chính phủ và ODA.

Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số... đã góp phần tích cực cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.

Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo được tăng cường. Các chính sách giảm nghèo được các ngành, địa phương tổ chức thực hiện kịp thời. Ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác giảm nghèo được nâng lên, nhiều hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững. Sự chung tay, hỗ trợ, sẻ chia của cộng đồng đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,9% năm 2016 (theo chuẩn mới).

Chủ trương xây dựng nông thôn mới được Quảng Nam thực hiện rất quyết liệt và tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Đến nay, có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Phú Ninh đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Điện Bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Sau 20 năm nhìn lại, Quảng Nam đã đạt được những thành tựu phát triển khá toàn diện, bền vững. Một mặt, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp-du lịch-dịch vụ. Mặt khác vẫn chăm lo phát triển sản xuất nông nghiệp, quản lý bảo vệ rừng, phát triển chăn nuôi và xem đây là một trong những điều kiện tiên quyết tạo ra sự ổn định chung của xã hội. Yếu tố phát triển bền vững cũng được thể hiện ở các lĩnh vực khác liên quan đến văn hóa, đời sống, xây dựng nông thôn mới...

Phát triển kinh tế đi cùng nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân

Năm 2016, kinh tế Quảng Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn và đang bước vào thời kỳ tăng trưởng ổn định, với mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng 10 năm qua. Xin ông cho biết những định hướng đổi mới của Quảng Nam trong chặng đường phát triển tới để trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020?

Ông Nguyễn Ngọc Quang: Sau nhiều nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam, điều đáng phấn khởi là tổng thu ngân sách của tỉnh liên tục tăng cao qua các năm. Năm 2016, thu ngân sách của tỉnh tăng gấp 163 lần, trong đó thu nội địa tăng gấp 110 lần so với năm 1997 và tham gia vào câu lạc bộ có nguồn thu ngân sách 20.000 tỷ đồng/năm.

Tròn 20 năm tái lập, Quảng Nam đã trở thành địa phương tự cân đối được ngân sách và đứng vào hàng ngũ 13 tỉnh, thành phố thực hiện đóng góp ngân sách về Trung ương.

Để đạt được mục tiêu“trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020”, Quảng Nam sẽ tập trung vào những ngành, lĩnh vực tạo ra được giá trị gia tăng cao. Với định hướng và quan điểm như vậy chúng ta mới cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiệu quả, năng suất sao, sức cạnh tranh tốt và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Như vậy, bài toán về tăng trưởng trước đây dựa vào vốn đầu tư, lao động, tài nguyên... đã lạc hậu, phải được tính toán lại, cần được thông qua hoạt động chế biến sâu, nâng cao năng suất lao động, đưa lại giá trị gia tăng cao, từ đó điều chỉnh cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế hợp lý.

Ông Nguyễn Ngọc Quang: Đối với Quảng Nam, ngoài tập trung phát triển công nghiệp chế tạo, xuất khẩu có đầu tư chế biến sâu thì dịch vụ-du lịch cũng được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là ngành công nghiệp không khói, mang lại giá trị gia tăng rất cao, tạo ra được sự phát triển bền vững cho cơ cấu kinh tế của tỉnh…

Điều đó giúp tỉnh duy trì sự phát triển bền vững, hài hòa về kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần giảm nghèo, giải quyết tốt an sinh xã hội, quản lý tốt nguồn tài nguyên. Quảng Nam quyết tâm, kiên trì đi theo định hướng này.

Càng ngày, việc chuyển đổi mô hình kinh tế từ chỗ dựa vào vốn đầu tư, tài nguyên, lao động gia công sang các lĩnh vực kinh tế tạo ra năng suất lao động cao càng phải được định hướng tập trung thực hiện. Nhờ đó thu nhập bình đầu người sẽ ngày càng cao hơn, tổng sản phẩm trên địa bàn cũng ngày càng lớn hơn, chất lượng cuộc sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên. Đó là mục tiêu mà Quảng Nam xác định khi quyết tâm, phấn đấu phát triển thành tỉnh khá của cả nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/quang-nam-phat-trien-hai-hoa-giua-kinh-texa-hoi-va-moi-truong/297638.vgp