Quảng Ngãi: Nâng cao chất lượng dân số thông qua mô hình kiểm tra và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân
Hiện nay tình trạng lứa tuổi vị thành niên/thanh niên (VTN/TN) thiếu kiến thức về SKSS, làm mẹ cũng như các nội dung khác trước khi kết hôn, hay tỉ lệ học sinh miền núi tảo hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân… là những vấn đề cần quan tâm. Đã có không ít VTN/TN có thai ngoài ý muốn; nạo phá thai; mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan B…
Triển khai mô hình kiểm tra và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân tại huyện Minh Long.
Từ thực tế đó và nhằm nâng cao chất lượng dân số, tăng cường hiểu biết kiến thức về chăm sóc SKSS cho lứa tuổi VTN/TN trên địa bàn tỉnh, cuối năm 2008 Chi cục Dân số tỉnh đã triển khai "Mô hình kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân" ở 12 xã, thị trấn thuộc các huyện: Tư Nghĩa, Đức Phổ, Minh Long, Trà Bồng, Sơn Hà, Bình Sơn, Lý Sơn.
Qua 3 năm triển khai mô hình, ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chi cục Dân số tỉnh cho biết: Nhận thức và hiểu biết của VTN/TN tại các địa bàn trước khi triển khai mô hình thì kiến thức, kỹ năng về chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn rất hạn chế; đã có một số trường hợp mang thai ngoài ý muốn và sinh con ở tuổi VTN; các kiến thức về hôn nhân, gia đình chưa được nhiều bạn trẻ quan tâm; nhiều trẻ em sinh ra suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, nhất là ở các huyện miền núi...
Để thực hiện đề án Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhóm đối tượng tiền hôn nhân và mới xây dựng gia đình (khám sức khỏe toàn diện về nội; khám sản khoa để phát hiện một số bệnh lây truyền qua đường sinh sản…; khám, tư vấn cấp thuốc điều trị và chuyển lên tuyến trên một số trường hợp nghi ngờ viêm gan B...). Ngoài ra, việc triển khai mô hình đã có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành dân số với các ban, ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư, nhất là Đoàn Thanh niên trong việc tuyên truyền, giáo dục VTN/TN như: Phát tờ rơi, tranh ảnh, áp phích; các hình thức truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh hoặc tư vấn trực tiếp tới từng đối tượng (kể cả các bậc phụ huynh).
Minh Long là một trong những địa phương điển hình thực hiện tốt mô hình. Qua 3 năm thực hiện mô hình, đã góp phần nâng cao nhận thức về chăm sóc SKSS, đồng thời hạn chế tình trạng VTN tảo hôn trên địa bàn huyện. Năm 2011 tranh thủ nguồn vốn 30a của Chính phủ, cộng với nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện Minh Long đã đầu tư xây dựng mở rộng duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân; tiếp tục tổ chức tư vấn tiền hôn nhân cho học sinh phổ thông, THCS ở 6 điểm trường của huyện…
Ông Lê Vũ Lương - Phó Giám đốc Trung tâm dân số huyện cho biết: Khi triển khai các buổi tư vấn các em rất bỡ ngỡ, e thẹn, một số trường hợp còn đặt những câu hỏi ngây ngô, thiếu kiến thức, thiếu thông tin về SKSS khá trầm trọng. Chúng tôi đã tư vấn, chia sẻ cho các em về các biện pháp tránh thai; cách chăm sóc phụ nữ khi mang thai, lúc đẻ và sau khi sinh; tác hại của nạo phá thai; các bệnh lây truyền qua đường tình dục; tâm lý ở tuổi dậy thì; ứng xử, tình huống trong giao tiếp, tình bạn, tình yêu, đặc biệt những hậu quả nặng nề của vấn đề tảo hôn... Nhiều học sinh tỏ ra khá hào hứng tại buổi truyền thông, mạnh dạn nêu ý kiến.
Đây chính là điều kiện để nâng cao hiểu biết về kiến thức sinh sản cho học sinh ở địa phương. Em Phạm Thị Mỹ (16 tuổi) ở Long Hiệp (Minh Long) cho biết: "Những vấn đề về giới tính em tự tìm hiểu cùng bạn bè, ít và ngại hỏi người thân. Nhưng từ khi tham gia sinh hoạt, được trao đổi kiến thức cùng bạn bè trang lứa, cũng như được các bác sĩ tư vấn kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, được khám sức khỏe và điều trị, em thấy đây là hoạt động rất cần thiết bổ ích cho học sinh chúng em…".
Đến nay toàn tỉnh đã tổ chức gần 30 đợt khám sức khỏe, với hơn 10 nghìn VTN/TN tham gia. Riêng năm 2010 đã tiến hành 12 buổi khám, kiểm tra và tư vấn sức khỏe cho 6.000 đối tượng. Các địa phương đã duy trì sinh hoạt 52 câu lạc bộ/12 xã, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần với nhiều hình thức phong phú, cung cấp cho hàng chục nghìn VTN/TN (từ 15 - 24 tuổi) những kiến thức cơ bản về DS-KHHGĐ, về tình bạn, tình yêu, hôn nhân và gia đình; hướng dẫn kỹ năng sống cho các em để tự bảo vệ và chăm sóc SKSS… Ngoài ra còn trực tiếp nói chuyện, tư vấn cho phụ huynh VTN/TN để họ chủ động theo dõi, giáo dục, trang bị kiến thức cho con em.
Mô hình kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân là cơ hội để nâng cao nhận thức cho VTN/TN, người dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình trên được triển khai nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng sống cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Bài, ảnh: KIM NGÂN