Quảng Ninh: Biến lợi thế thành đòn bẩy

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics vào tỉnh Quảng Ninh ngày càng có quy mô lớn hơn, mức độ chuyên môn hóa cao, đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển.

Hướng tới trung tâm logistics của vùng

So với các địa phương khác, Quảng Ninh có nhiều thuận lợi để thực hiện Quyết định 200/QĐ-TTg nhờ lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có đầy đủ tiềm năng kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong vùng, cả nước và quốc tế. Mặt khác, Quảng Ninh có đường biên giới đất liền với Trung Quốc và có đường biển thông ra thế giới, có thể kết nối với Hải Phòng để phát triển thành cụm cảng quốc tế phía Bắc, kết nối với Hà Nội và các tỉnh khác trong vùng thành trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu của miền Bắc ra các thị trường quốc tế rộng lớn, nhất là với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á.

Quảng Ninh có nhiều điều kiện để phát triển Logistics

Quảng Ninh có nhiều điều kiện để phát triển Logistics

Dựa vào những thuận lợi sẵn có đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 28/7/2017 về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Quảng Ninh đến năm 2025. Theo kế hoạch này, Quảng Ninh xác định logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể phát triển kinh tế-xã hội (KTXH), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh; phát triển dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược của tỉnh… hướng tới đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế của cả vùng.

Với quyết tâm cao, các sở, ngành Quảng Ninh đã chủ động tham mưu có hiệu quả cho UBND tỉnh trong việc đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực logistics, mở rộng kết nối hạ tầng logistics. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, ngành dịch vụ logistics Quảng Ninh đang là một trong những ngành được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.

Chỉ trong 2 năm 2017-2018, tổng vốn đầu tư xã hội vào lĩnh vực logistics đạt 128,2 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án có mục tiêu liên quan đến đầu tư hạ tầng logisitics và hoạt động logistics (đầu tư xây dựng sân, kho, bãi, cảng) như: Tập đoàn Rent A Port (Bỉ) và đối tác - Công ty Cảng Arov (Nga), Công ty TNHH C&N Vina (Hàn Quốc)...

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã có báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với một dự án trong nước với tổng vốn đầu tư dự kiến 994,288 tỷ đồng; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án bổ sung Khu kinh tế (KKT) ven biển Quảng Yên và Quy hoạch phát triển các KKT ven biển của Việt Nam. Hiện có một số dự án đã thu hút đầu tư có mục tiêu liên quan đến đầu tư hạ tầng logistics, gồm: 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 155,585 triệu USD và 4 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.578,471 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, triển khai nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông như: Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng - Vân Đồn và cầu Bạch Đằng, cảng khách quốc tế Hạ Long, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương... góp phần tạo động lực chiến lược phát triển KTXH của tỉnh cũng như phát triển kinh tế vùng, liên vùng. Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho nhà đầu tư. Hiện, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh đạt 98,2%, cấp huyện đạt 97,8%. Với thủ tục hành chính, khai báo hải quan thuận lợi, thông thoáng, trong 2 năm 2017-2018, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên địa bàn Quảng Ninh ước đạt 116,3 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách ước 155,9 triệu khách; tổng doanh thu vận tải, kho bãi đạt 25,5 nghìn tỷ đồng…

Tăng sức cạnh tranh

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là quy mô của DN dịch vụ logistics nhỏ, sức cạnh tranh yếu, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ. Hệ thống bến, bãi, các cảng tuy được đầu tư quy mô nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, nhất là hạ tầng dịch vụ phụ trợ; các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn đã được quy hoạch nhưng vẫn còn phân tán, chưa thu hút được các DN đầu tư bài bản; thương hiệu cảng biển Quảng Ninh còn ít được biết đến cả trong nước và trên thế giới.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu: Đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của ngành logistics đạt từ 16-18% vào ngành dịch vụ, đạt 6,9-7,0% GRDP của tỉnh, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 8,0-10% GRDP của tỉnh. Ngoài ra, sẽ hình thành các trung tâm logistics với tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL), logistics bên thứ tư (4PL) và logisitics bên thứ năm (5PL) tại khu vực TP. Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên, cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô…

Để thực hiện mục tiêu trên, cũng như tháo gỡ những hạn chế đang tồn tại, từng bước phát huy lợi thế, tạo đòn bẩy thúc đẩy ngành dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh phát triển nhanh và mạnh, Sở Công Thương Quảng Ninh đề xuất, cần tiếp tục tập trung tăng dần và mở rộng các dịch vụ cảng biển đường bộ, thu hút các DN đầu tư sản xuất tại KCN, KKT, tạo nguồn hàng cho các dịch vụ logistics; đẩy mạnh triển khai các giải pháp, nhằm giảm chi phí logistics...

Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và kết nối các thị trường xuất khẩu; thu hút nguồn hàng từ các tỉnh trong nước, nước ngoài để xuất khẩu qua các cửa khẩu, nhằm phát huy các lợi thế cảng biển, cửa khẩu của tỉnh. Khuyến khích phát triển các dịch vụ logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức hoạt động theo mô hình 3PL để tối thiểu hóa chi phí và bổ sung giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ. Từng bước triển khai mô hình 4PL và 5PL trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả...

Quảng Ninh xác định, đầu tư phát triển hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao theo hướng gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước.

Quỳnh Nga - Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-ninh-bien-loi-the-thanh-don-bay-128585.html