Quảng Ninh: Cơ hội chuyển dịch kinh tế của thành phố trẻ Đông Triều

Không còn là một vùng quê thuần nông, đến nay thị xã Đông Triều đã trở thành một mắt xích quan trọng trong kết nối tỉnh Quảng Ninh với nhiều địa phương.

Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). (Ảnh: TTXVN phát)

Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). (Ảnh: TTXVN phát)

Mới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Đông Triều, thuộc tỉnh Quảng Ninh, trên cơ sở thị xã Đông Triều. Nghị quyết này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11/2024.

Không còn là một vùng quê thuần nông, đến nay thị xã Đông Triều đã trở thành một mắt xích quan trọng trong kết nối tỉnh Quảng Ninh với nhiều địa phương.

Nơi đây là cửa ngõ kết nối tỉnh Quảng Ninh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, có nhiều tuyến giao thông quan trọng của quốc gia đi qua như: quốc lộ 18, quốc lộ 17B, đường sắt Kép - Hạ Long.

Đổi thay vượt bậc nơi quê gốc nhà Trần

Trong những năm gần đây, thị xã Đông Triều - quê gốc của nhà Trần phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có, cộng với sự đầu tư, nâng cấp hạ tầng, dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cân đối tỷ trọng các ngành nghề. Đến cuối năm 2023, ngành Thương mại-Dịch vụ chiếm 30,8%; ngành Công nghiệp-Xây dựng 64,8%; Nông- Lâm- Thủy sản chiếm 4,4%.

 Thị xã Đông Triều tiếp tục đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hạ tầng, đáp ứng không gian đô thị khi lên thành phố. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Thị xã Đông Triều tiếp tục đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hạ tầng, đáp ứng không gian đô thị khi lên thành phố. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Mặt khác, nhờ vào việc khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là than đá, Đông Triều đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn. Cùng với đó, các ngành dịch vụ cũng phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân của địa phương và các địa bàn lân cận.

Tới đây, với vai trò vị thế của một thành phố trẻ, Đông Triều có rất nhiều cơ hội tập trung phát triển, chuyển dịch kinh tế. Đặc biệt liên quan đến thúc đẩy phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo. Kết nối không gian phát triển du lịch nhất là du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, gắn với du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; là tiềm năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 Quần thể di tích Am, chùa Ngọa Vân là Thánh địa linh thiêng của Phật giáo Trúc lâm, nơi Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hóa Phật. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Quần thể di tích Am, chùa Ngọa Vân là Thánh địa linh thiêng của Phật giáo Trúc lâm, nơi Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hóa Phật. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Theo thống kê, thị xã Đông Triều Đông có trên 400 doanh nghiệp đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực; thu hút 100 dự án đầu tư; trong đó có 56 dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tổng kinh phí đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn lao động.

Ông Kim InWoo, Giám đốc đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên F-one Global Foods, chia sẻ, thị xã Đông Triều đang trải qua một giai đoạn phát triển đột phá, với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ và bài bản, mở ra những cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là một công ty 100% vốn đầu tư Hàn Quốc như F-one Global Foods.

Ông Kim nhận thấy, cơ hội không chỉ trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, mà còn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất. Bởi trước sự phát triển nhanh chóng của Đông Triều thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt.

Để giữ vững vị thế, công ty không ngừng tìm kiếm những giải pháp sáng tạo, đầu tư vào đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, với vai trò là một doanh nghiệp lớn tại địa phương, cần gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững và hài hòa của Đông Triều.

 Hoạt động chế biến sản xuất của doanh nghiệp tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Hoạt động chế biến sản xuất của doanh nghiệp tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Cùng với những cơ hội, Đông Triều cũng sẽ đối diện với nhiều thách thức về: thu hút nguồn lực; đầu tư kết cấu hạ tầng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; quản lý đô thị, phải đảm bảo vừa khai thác được các tiềm năng, thế mạnh nhưng vẫn giữ được các bản sắc văn hóa, gìn giữ được môi trường; hiện thực hóa được các quy hoạch trong đó có quy hoạch chung của thị xã Đông Triều, quy hoạch tỉnh Quảng Ninh; nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu của một đô thị hiện đại, văn minh; phát huy được những giá trị bản sắc sẵn có của con người của của Đông Triều, biến các giá trị con người, giá trị văn hóa trở thành nguồn nội sinh để thúc đẩy các nguồn ngoại sinh khác; thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và đô thị…

Bước nhảy vọt đầy tiềm năng

Vui mừng, tự hào trước những thay đổi của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, ông Nguyễn Quang Nhạ, nguyên Bí thư Huyện ủy Đông Triều giai đoạn (1991-2000) chia sẻ, nơi đây từng là mảnh đất chưa mưa đã lũ, chưa nắng đã hạn, từ địa phương chỉ độc canh cây lúa, các xã miền núi xưa còn rất nghèo, đời sống còn khó khăn.

Là thị xã nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, nằm gần các đô thị và thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Hải Dương, có vai trò động lực phát triển kinh tế vùng phía Tây tỉnh Quảng Ninh; có hệ thống giao thông vận tải kết nối thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy và đường sắt với các trung tâm kinh tế lớn trong vùng. Hiện đang tiếp tục được đầu tư thêm các tuyến giao thông hiện đại, tính kết nối cao.

 Đông Triều là vùng trồng cây ăn quả và sản xuất nông nghiệp lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)

Đông Triều là vùng trồng cây ăn quả và sản xuất nông nghiệp lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)

Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của thị xã Đông Triều đạt trên 163 triệu đồng/người/ năm, cao hơn bình quân chung của cả nước 1,6 lần.

Đây cũng là địa phương cấp huyện nông thôn mới đầu tiên của miền Bắc và có xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của cả nước là xã Việt Dân. Hiện nay, Đông Triều đang hướng là địa phương cấp huyện đầu tiên hoàn thành mục tiêu nông thôn mới kiểu mẫu.

Trải qua nhiều giai đoạn, nỗ lực của chính quyền và nhân dân đã đưa Đông Triều chuyển mình sang một hình thái mới. Giờ đây Đông Triều đã hình thành vùng cây ăn quả, là đô thị phát triển, nhờ đó người dân có thu nhập cao hơn trước.

Thế hệ của các ông đã tạo đà để các thế hệ sau phát triển lên, có bước nhảy vọt. Ông Nhạ không nghĩ Đông Triều sẽ có ngày được lên thành phố. Bởi ngày xưa từ huyện nông nghiệp lên đến thị xã đã là 1 thay đổi to lớn, giờ không những là thị xã, mà tất cả các xã trong huyện đều là nông thôn đổi mới. Kinh tế không còn chỉ là nông nghiệp nữa, giờ dành đất cho đầu tư cơ sở hạ tầng, cho công nghiệp. Vào thập niên 90, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 100 USD, nhưng giờ đã trên 4.000 USD, gấp trên 40 lần.

Bí thư Thị ủy Đông Triều, ông Nguyễn Văn Công cho biết, vấn đề quan trọng hiện nay là phân kỳ để tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khai thác từng phần, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo theo đúng quy hoạch; đối với phát triển kết cấu hạ tầng, ngoài nguồn lực của thị xã, của tỉnh, hỗ trợ từ chính sách thì địa phương cũng đang có định hướng phát huy sức mạnh toàn dân, nhà nước và nhân dân cùng làm; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất trách nhiệm, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm; thu hút các nhà đầu tư để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất ở ngay tại chỗ trên chính mảnh đất Đông Triều.

 Hạ tầng giao thông của thị xã Đông Triều được đầu tư đồng bộ, mang tính kết nối cao với các địa phương trong và ngoài tỉnh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Hạ tầng giao thông của thị xã Đông Triều được đầu tư đồng bộ, mang tính kết nối cao với các địa phương trong và ngoài tỉnh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Ngoài ra sẽ quan tâm xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao bằng việc đầu tư phát triển giáo dục; sử dụng hợp lý các nguồn lực mà trung ương, tỉnh hỗ trợ cho địa phương trong việc khai thác lợi thế của Đông Triều.

Trong đó thì sẽ ưu tiên đặc biệt đối với các nguồn lực để tập trung hình thành ở các khu công nghiệp cụm công nghiệp là hạt nhân để thu hút các nhà đầu tư vào trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quang-ninh-co-hoi-chuyen-dich-kinh-te-cua-thanh-pho-tre-dong-trieu-post987153.vnp