Quảng Ninh: Di dời cơ sở chế biến hàu ra khỏi khu dân cư

Huyện Vân Đồn, nơi được coi là vựa hàu lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với nhiều cơ sở chế biến các sản phẩm từ hàu. Để tránh ô nhiễm môi trường do quá trình chế biến hàu, huyện đang tìm các giải pháp nhằm đưa các cơ sở chế biến hàu ra khỏi khu dân cư.

Ô nhiễm môi trường từ cơ sở chế biến hàu

Năm 2023, sản lượng nuôi trồng hàu trên địa bàn huyện Vân Đồn đạt khoảng 38.103 tấn trên tổng diện tích nuôi trồng khoảng 1.200 ha. Số hàu này không chỉ được tiêu thụ nội địa mà còn được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vân Đồn, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 40 cơ sở chế biến hàu, số lượng các cơ sở còn có sự thay đổi theo từng thời điểm trước, trong và sau vụ hàu. Tuy nhiên, trong đó có nhiều cơ sở chế biến hàu hoạt động giữa khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, khiến đời sống của các hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng.

Tại một cơ sở chế biến hàu ở xã Hạ Long (huyện Vân Đồn), người lao động sơ chế hàu ngay trên nền đất với trang thiết bị thô sơ, ngồi dưới chiếc lán được dựng tạm sơ sài,...

Việc chế biến hàu được thực hiện ngay cạnh đường chính trong khu dân cư.

Việc chế biến hàu được thực hiện ngay cạnh đường chính trong khu dân cư.

Theo ghi nhận của PV tại các xã Hạ Long, Đông Xá (huyện Vân Đồn), phát hiện ở một số cơ sở chế biến hàu nằm giữa khu dân cư, người lao động sơ chế ngay trên nền đất với trang thiết bị thô sơ, ngồi dưới chiếc lán được dựng tạm sơ sài… Hàng đống vỏ hàu được chất cao ngất, để ngay cạnh đường và cạnh hệ thống cống, mương thoát nước khu dân cư. Chỉ cần đứng trong vòng bán kính khoảng 10m đổ lại là PV có thể “thưởng thức” trọn vẹn mùi hôi thối khó chịu tỏa ra từ các cơ sở này.

Là “hàng xóm” của một cơ sở chế biến hàu trong khu dân cư ở xã Đông Xá (huyện Vân Đồn), bà S. chia sẻ: Mùi hôi thối và nước thải rỉ ra trong quá trình chế biến hàu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của khu dân cư.

“Mùi thối xộc thẳng vào nhà khiến gia đình tôi không muốn ngồi ăn cơm hay nói chuyện. Thậm chí tôi còn không muốn về nhà…”, bà S. than thở.

Một người dân khác sống tại xã Đông Xá cho biết thêm, sau quá trình chế biến hàu vẫn còn sót lại 1 ít cơ hàu dính ở vỏ cùng với nước rỉ ra gây mùi hôi thối khó chịu. Vì vậy, hàng đống vỏ hàu xếp chồng chất đợi thu gom không chỉ bốc mùi mà còn thu hút ruồi muỗi bu quanh, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là vào mùa hè, mùi thối bốc lên càng nồng nặc. Người dân mong muốn các cơ sở chế biến hàu sớm di chuyển đến nơi xa khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Khẩn trương di dời khỏi khu dân cư

Những bất cập trên đã đặt ra yêu cầu huyện Vân Đồn cần phải nhanh chóng tiến hành di dời các cơ sở chế biến hàu về nơi xa khu dân cư, đáp ứng đủ các điều kiện về mặt kỹ thuật, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm,… để tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm hàu mang thương hiệu Vân Đồn.

Một cơ sở chế biến hàu nằm giữa khu dân cư tại xã Đông Xá (huyện Vân Đồn).

Nước rỉ ra từ hoạt động của cơ sở chế biến hàu chảy xuống mương, cống của khu dân cư, gây bốc mùi hôi thối.

Nước rỉ ra từ hoạt động của cơ sở chế biến hàu chảy xuống mương, cống của khu dân cư, gây bốc mùi hôi thối.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết: Huyện đã ban hành kế hoạch di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị, trong đó có các cơ sở chế biến hàu vào cụm công nghiệp tại xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn). Đồng thời, giao phòng Kinh tế - Hạ tầng rà soát số lượng các cơ sở thuộc nhóm di dời và xây dựng lộ trình thực hiện di dời các cơ sở này.

Theo thông tin từ phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vân Đồn, dự án cụm công nghiệp tại xã Đoàn Kết có quy mô trên 52ha, do Công ty CP Phú Thịnh Vân Đồn làm chủ đầu tư.

Tính đến thời điểm này các đơn vị thi công đang gấp rút triển khai các hạng mục của cụm công nghiệp. Dự kiến đến quý I/2024 có thể thu hút được các doanh nghiệp thứ cấp phải di dời theo quy hoạch, trong đó có các cơ sở chế biến hàu.

“Sau khi cụm công nghiệp hoàn thiện, chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân đến đăng ký thuê đất, di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp đảm bảo quy hoạch, cũng như các điều kiện về môi trường, góp phần phát triển bền vững của địa phương”, ông Nguyễn Sinh Lượng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vân Đồn cho hay.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Đào Văn Vũ thông tin thêm: Trong thời gian chờ cụm công nghiệp hoàn thành thì huyện đã yêu cầu tất cả các cơ sở chế biến hàu hà thực hiện nghiêm các cam kết đã ký với địa phương về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến. Đồng thời, có phương án thu gom, xử lý nước thải, rác thải vỏ hàu hà đảm bảo quy định như: Nghiêm cấm hành vi đổ trộm vỏ hàu hà không đúng nơi quy định; phải xây dựng hệ thống rãnh thu gom, bể thu gom xử lý nước thải; nước thải phải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuận hiện hành trước khi thoát ra hệ thống nước thải chung của khu vực;…

Bên cạnh đó, UBND huyện Vân Đồn cũng đã giao các phòng ban, đơn vị và UBND các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở chế biến hàu hà trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và báo cáo UBND huyện theo định kỳ hàng tháng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Chủ tịch UBND xã Đông Xá Nguyễn Đức Nghiệp cho biết: Tính từ đầu năm 2023 đến nay, xã đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 23 cơ sở chế biến hàu hà trên địa bàn, đồng thời yêu cầu các cơ sở phải khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả để đảm bảo vệ sinh môi trường…

Đông Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quang-ninh-di-doi-co-so-che-bien-hau-ra-khoi-khu-dan-cu-5711628.html