Quảng Trị đẩy mạnh công tác chăm sóc nhãn khoa

Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ, chăm sóc các bệnh lí về mắt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, so với toàn quốc thì Quảng Trị vẫn là địa phương có tỉ lệ người tồn động và nguy cơ dẫn đến mù lòa cao. Trước thực trạng đó, ngành Y tế tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm giúp mọi người biết cách tự bảo vệ, chăm sóc và tiếp cận được dịch vụ chăm sóc mắt ngày càng toàn diện hơn.

 Khám sàng lọc các bệnh lí về mắt tại cồng đồng để giúp người dân phát hiện sớm, điều trị kịp thời

Khám sàng lọc các bệnh lí về mắt tại cồng đồng để giúp người dân phát hiện sớm, điều trị kịp thời

Cũng như nhiều người lớn tuổi khác, trước đây cuộc sống của ông Nguyễn Hưng, trú tại xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong gặp rất nhiều khó khăn do hai mắt bị đục thủy tinh thể nên không nhìn thấy rõ, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào con cháu. Tuy nhiên, trong một lần đi kiểm tra sức khỏe, ông được các bác sĩ trạm y tế tư vấn, giới thiệu nên ông đã đồng ý cho người thân đưa đến Bệnh viện Mắt Quảng Trị để phẫu thuật. “Lúc đầu nghe nói mổ mắt tôi rất lo lắng, nhưng sau khi được các bác sĩ tư vấn, tôi yên tâm hơn. Sau khi phẫu thuật, bây giờ tôi có thể tự làm mọi việc mà không còn nhờ đến ai hết”, ông Nguyễn Hưng phấn khởi cho biết.

Nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết, đồng thời giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc mắt ngày càng toàn diện hơn. Thời gian qua, cơ sở vật chất ở Bệnh viện Mắt được đầu tư khang trang hiện đại, ứng dụng các kĩ thuật nhãn khoa tiến tiến trong việc khám, điều trị các bệnh lí về mắt, như: Máy sinh hiển vi phẫu thuật, sinh hiển vi khám bệnh, phẫu thuật Phaco, chụp đáy mắt, điện tim, máy xét nghiệm huyết học, sinh hóa tự động, xét nghiệm nước tiểu... Nhờ vậy, hàng ngàn bệnh nhân được phẫu thuật lấy lại ánh sáng, qua đó tạo được lòng tin cho người bệnh, cũng như giúp cho họ không phải lên tuyến trên, giảm chi phí điều trị, đi lại, nhất là đối với người bệnh nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, với vai trò là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của tỉnh, Bệnh viện Mắt không chỉ đảm trách công tác chuyên môn thực hiện là tuyến cao nhất, mà còn đóng vai trò định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển mạng lưới, tổ chức thực hiện các chương trình phòng chống mù lòa của tỉnh nhà, như: Khám sàng lọc nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lí về mắt cho người dân tại cộng đồng; Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm giúp cho người dân biết cách tự bảo vệ, chăm sóc và tiếp cận được dịch vụ chăm sóc mắt; chỉ đạo tuyến, tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở.

Mặc dù công tác phòng chống mù lòa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có những bước tiến mới và khá toàn diện, tuy nhiên các bệnh lí về mắt ngày càng phức tạp hơn, trong khi đó nhìn chung hệ thống chăm sóc mắt hiện nay chỉ mới triển khai được các dịch vụ cơ bản để giải phóng mù lòa. Còn một số lĩnh vực chuyên khoa sâu như: Phẫu thuật dịch kính võng mạc bán phần sau nhãn cầu, phẫu thuật ghép giác mạc, phẫu thuật điều trị cận thị, phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ và quản lí chăm sóc tật khúc xạ, quản lí và điều trị các bệnh mắt do biến chứng đái tháo đường... vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thể đáp ứng được.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch phòng, chống mù lòa trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2019-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu chung là tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỉ lệ các bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về mục tiêu thị giác 2020.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quỳnh, Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Trị cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu của người dân về chẩn đoán, điều trị các bệnh lí về mắt và triển khai các dịch vụ chuyên sâu về mắt, thời gian tới, bệnh viện tiếp tục đầu tư thêm nhiều trang thiết bị y tế mới để giúp người dân được tiếp cận với các kĩ thuật nhãn khoa hiện đại. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ gửi các bác sĩ đi đào tạo trong và ngoài nước để giúp các bác sĩ tiếp cận, nắm bắt và triển khai các kĩ thuật mới, tiên tiến về chuyên ngành nhãn khoa. Đồng thời chú trọng hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ làm công tác chăm sóc mắt ở tuyến cơ sở và xây dựng mạng lưới bảo vệ, chăm sóc mắt từ phường, xã lên đến tuyến tỉnh”.

Có thể thấy, để công tác phòng chống mù lòa đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc mắt ngày càng cao của nhân dân tỉnh nhà, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế cần có sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền các cấp, sự chung tay của cộng đồng xã hội và nhất là ý thức của mỗi người dân trong việc tự bảo vệ, chăm sóc đôi mắt của mình.

Nguyễn Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143166