Quảng Trị: Khởi nghiệp thành công với mô hình dưa lưới đầu tiên tại Vĩnh Linh
Sau khi xuất ngũ, với ý chí và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Lê Văn Vượng (xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã đi học hỏi tại các mô hình trồng dưa lưới ở Thanh Hóa. Nhận thấy giống cây này phù hợp trên vùng đất đỏ quê hương mình, anh Vượng đã tiên phong đầu tư để khởi nghiệp với loại cây này.
Anh Vượng từng đỗ vào Trường Đại học Điện lực (Hà Nội) nhưng phải bỏ ngang sau 3 tháng vì lý do oái oăm: Dị ứng thời tiết. Đến năm sau, khi thi lại vào Học viện Hải quân ở Khánh Hòa, anh lại trượt và bỏ ngang, lên đường nhập ngũ. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, giữa lúc quê hương đang “dính” sự cố môi trường biển, Vượng vẫn nuôi quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp.
Thu 180 triệu đồng vụ đầu tiên
Được sự hỗ trợ vay vốn của huyện cùng với số vốn tự có, anh đã mạnh dạn đầu tư nhà màng khép kín, trồng 4.800 gốc dưa lưới và dưa hấu trên diện tích 2.000 m2. Trong nhà màng có hệ thống tưới tiêu tự động và hệ thống tưới nhỏ giọt rất hiện đại.
Chỉ trong thời gian ngắn, cây dưa trong nhà màng sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao trên 70%, tổng sản lượng đạt 4 - 4,5 tấn. Mọi thứ có vẻ khả quan mà đến bản thân Vượng cũng không ngờ.
Dưa lưới Nhật Bản thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng nên giá bán cao, có thời điểm sốt giá thì lên tới vài trăm nghìn đồng mỗi kg. Nhưng để phù hợp với thị trường trong nước, anh Vượng chỉ bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Ngay vụ dưa đầu tiên, anh Vượng thu được gần 180 triệu đồng. Có được thành quả này là nhờ vào sự bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt cũng như kỹ thuật trồng từ khâu làm đất, bón phân cho đến nước tưới... Một quả dưa lưới đến độ thu hoạch sẽ đạt hơn 1 kg, những quả thụ phấn muộn còn nhỏ thì anh Vượng sẽ tiếp tục chăm sóc và thu hoạch vào đợt 2.
Dưa được trồng trong nhà màng không có sâu bệnh nên không cần bơm thuốc bảo vệ thực vật, sạch hoàn toàn. Tuy nhiên, khi cây ra hoa, Vượng phải tự thụ phấn bằng tay, rất kỳ công. “Công việc này cũng giống như việc đi làm “ông tơ, bà nguyệt” vậy, phải khéo léo nếu không thì hỏng hết”, Vượng chia sẻ. Sắp tới, anh có ý định bỏ nghề “mai mối”, thay vào đó sẽ nuôi ong để thụ phấn cho hoa dưa, giảm công lao động.
Vì trồng dưa trong nhà màng nên anh Vượng có thể canh tác quanh năm. “Mỗi cây dưa lưới từ khi trồng đến khi ra quả đạt 1,5 kg để thu hoạch phải mất khoảng 3 tháng chăm sóc. Trên mỗi cây dưa có thể ra khoảng 4 - 5 quả nhưng để quả dưa đạt chất lượng cao, tôi chỉ chừa 1 cây duy nhất 1 quả”, anh cho biết.
Hiệu quả trồng dưa lưới sạch trong nhà màng của anh Vượng đã mang lại niềm tin và động lực lớn để nông dân địa phương mạnh dạn nhân rộng mô hình này trong địa bàn xã, nhằm phát triển kinh tế và làm giàu từ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Lan tỏa mô hình
Tháng 7/2017, 14 thành viên khác đã chung tay cùng anh Vượng thành lập HTX Trường Sơn, chuyên trồng dưa lưới Nhật Bản. Với 700 triệu đồng do các thành viên đóng góp cùng 300 triệu đồng do huyện Vĩnh Linh hỗ trợ, HTX đã xây dựng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng đầu tiên tại Vĩnh Linh.
Với lợi thế trồng trong nhà màng và nhờ hệ thống tưới tiêu nên loại cây này có thể trồng 3 vụ/năm. Đây là một tín hiệu đáng mừng để HTX tận dụng trồng cây dưa lưới quanh năm trong mọi điều kiện thời tiết.
Được biết, hiện tại mô hình của HTX Trường Sơn đã tìm được đầu ra bán ở thị trường Tp.HCM. Trong thời gian tới, số dưa còn lại sẽ được bán ra cho thị trường Hà Nội. Đồng thời, các thương lái ở địa bàn Quảng Trị cũng tìm đến mua với số lượng khá lớn.
Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, UBND huyện Vĩnh Linh đã có phương án giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp trồng tại các mô hình ứng dụng công nghệ cao và các sản phẩm nông sản sạch trên địa bàn tới người tiêu thụ.
Lan tỏa từ mô hình của anh Vượng, tại huyện Vĩnh Linh đã phát triển thêm 4 mô hình nhà màng trồng rau, củ, quả sạch, bao gồm 3 mô hình thổ canh và 1 mô hình thủy canh tại 2 xã Vĩnh Trung, Vĩnh Tú với tổng diện tích 5.500 m2. Tổng kinh phí đầu tư các mô hình trên 4,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 900 triệu đồng.
Bà Lê Thị Thúy Kiều - Phó phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh, cho biết trong thời gian tới, địa phương tập trung chú trọng phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch để nông dân có thể sản xuất và canh tác trái vụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng năng suất và bảo đảm chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường.