Quê hương các vua Trần nằm ở đâu?
Nằm ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, tỉnh này thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ, nơi sinh dưỡng biết bao trạng nguyên, khôi nguyên và nhiều trí thức làm rạng danh non sông đất nước.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1225 dưới sự sắp xếp của Trần Thủ Độ, nữ vương triều Lý là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, mở ra một triều đại mới - triều đại nhà Trần. Trần Cảnh lên ngôi vua lấy hiệu là Thái Tông. Trần Thái Tông là con thứ của Trần Thừa, mẹ họ Lê, quê ở làng Tức Mặc, nay là phường Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định.
Theo quy hoạch năm 2008, tỉnh Nam Định thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Vùng đất có diện tích 1.669 km2 này tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển. Nam Định tiếp giáp các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình. Từ năm 1239 vua Trần Thái Tông cho xây hành cung ở quê hương Tức Mặc để lúc thư nhàn về thăm. Đến năm 1262, Thái Thượng hoàng Trần Thái Tông tới hành cung ở Tức Mặc, ban yến tiệc cho dân và thăng làng lên thành phủ Thiên Trường, dựng tiếp cung Trùng Quang để các vua đã nhường ngôi về ở và dựng thêm một cung riêng cho các vua đương triều mỗi khi về thăm Thái Thượng hoàng nghỉ tại đó.
Hơn bảy trăm năm trôi qua, cung điện cũ đã không còn. Khu di tích đền Trần ngày nay gồm ba công trình kiến trúc chính được xây dựng trên nền cung điện cũ là đền Thiên Trường (hay đền Thượng); đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trong đó, đền Thiên Trường đặt bài vị thờ 14 vua Trần; đền Cố Trạch thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và gia quyến; đền Trùng Hoa có tượng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần, bài vị thờ hội đồng các quan. Hàng năm tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - chùa Phổ Minh có hai kỳ lễ hội là lễ Khai ấn đầu xuân (15 tháng giêng âm lịch) và lễ hội tháng Tám (ngày 15-20 tháng 8 âm lịch) để tưởng nhớ công lao các vua Trần và anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Cả hai kỳ lễ, lễ hội đều mang tính chất vùng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.