Quốc hội sẽ miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT

Chiều nay (17/10), đã diễn ra buổi họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo.

Báo cáo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 07 dự án Luật, 03 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến 07 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét, các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý).

Bên cạnh việc chất vấn và trả lời chất vấn như thường lệ, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022;

Xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Đặc biệt, Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; Xem xét, quyết định công tác nhân sự...

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Nguyễn Văn Thể. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ông Nguyễn Văn Thể đã làm tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay theo nguyện vọng cá nhân và sự phân công của người có thẩm quyền, tại Kỳ họp thứ 4 này, Thủ tướng Chính phủ sẽ có Tờ trình đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng đối với ông Nguyễn Văn Thể và Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm.

Liên quan đến vấn đề xăng dầu thời gian qua gây nhiều bức xúc cho cử tri, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho hay, đây là vấn đề điều hành giá xăng dầu của Chính phủ và Bộ Công Thương. Vừa qua giá xăng xầu thế giới có biến động với biên độ lớn, Chính phủ và cơ quan chức năng sẽ xây dựng lại cơ chế bán lẻ giá xăng dầu hợp lý hơn.

Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp này, trong khi hiện nay, những khiếu kiện liên quan đến đất đai rất lớn. Vậy việc sửa đổi này có làm giảm đi được tình trạng đó hay không, là nội dung nhiều người quan tâm.

Ông Nguyễn Minh Sơn cho biết: Việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; thống nhất điều chỉnh các quan hệ quản lý, sử dụng đất đai; tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đồng thời giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế; bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.

Dự thảo Luật đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 03 mục tiêu tổng quát, 06 mục tiêu cụ thể, 06 nhóm giải pháp và 08 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển. Bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.

Theo dự kiến chương trình, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ họp tập trung trong thời gian 21 ngày (khai mạc 20/10, bế mạc 15/11/2022).

Mai Thoa

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/quoc-hoi-se-mien-nhiem-bo-truong-bo-gtvt-217093.html