Quốc hội thảo luận về bộ máy hành chính
Sáng 25/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Dự án luật được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua thảo luận về cơ bản, các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Quốc hội cho ý kiến về việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính; quy định số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Quốc hội cho ý kiến về việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương; số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh và Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương.
Trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Sau đó, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước tại hội trường.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Các nội dung còn có ý kiến của dự thảo Luật đã được tiếp thu và chỉnh lý để đưa ra Kỳ họp thứ 8.
Trong đó, về bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, dự thảo Luật tiếp thu theo hướng: bỏ các quy định về quyền “xác minh” tại điểm 2a, khoản 3 và điểm 2 khoản 7, Điều 1; bỏ quy định về trách nhiệm của thành viên Đoàn kiểm toán khi đã kiểm toán nhưng không phát hiện tham nhũng; sửa căn cứ ban hành quyết định kiểm toán từ “có dấu hiệu vi phạm pháp luật” thành “có dấu hiệu tham nhũng” để phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng; quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm quyết định và tổ chức các biện pháp cụ thể để phòng chống tham nhũng trong nội bộ Kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng tại điểm 4, khoản 4, Điều 1.
Về bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, dự thảo Luật quy định chỉ cho phép Kiểm toán Nhà nước truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin cần thiết liên quan đến nội dung kiểm toán và chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật tại khoản 3, khoản 6 Điều 1 dự thảo luật.