Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 13/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Nhiều đại biểu đồng tình với báo cáo KT-XH của Chính phủ
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, theo Chương trình làm việc, Quốc hội dành 2 ngày để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung phát biểu theo các vấn đề đã được nêu trong các Báo cáo của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra, nhất là các kiến nghị về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Quốc hội dành 2 ngày để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước
Tại phiên họp, các đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An); Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn); Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk); Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội);... bày tỏ đồng tình với báo cáo KT-XH của Chính phủ, đánh giá cao công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua, chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp, đồng thời đóng góp các ý kiến, giải pháp nhằm thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Các đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị định 100, xử lý nghiêm hành vi uống rượu bia tham gia giao thông; bảo vệ an ninh trật tự; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh nguồn nước; kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác "chống dịch như chống giặc"; điều chỉnh lại chỉ tiêu phát triển do tác động của dịch bệnh; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm trong phát triển kinh tế xã hội; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh; khôi phục thị trường du lịch; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tái đàn lợn, phòng chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi; làm tốt công tác bảo vệ phát triển rừng; đầu tư phát triển kinh tế văn - xã; xây dựng thương hiệu quốc gia đặc sắc, riêng có của Việt Nam; quản lý thu chi ngân sách nhà nước hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau và không để tỉnh nào bị bỏ lại phía sau; đồng thời làm tốt công tác dự báo trước những tác động khó lường về chính trị, an ninh phi truyền thống để có chính sách ứng phó hiệu quả...
Việt Nam đang được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu
Đề cập đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) bày tỏ: Việt Nam đang được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu trong chống đại dịch. Mỗi đại biểu Quốc hội chúng ta cũng đang tự hào và suy ngẫm về điều kỳ diệu đó và tự hỏi làm thế nào để hậu COVID-19 trong 10 năm tới, chúng ta có thể viết nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam. Nếu so sánh thực chất trang thiết bị y tế thì chúng ta còn nhiều khó khăn hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng chúng ta đã chống dịch thành công và chia sẻ kịp thời cùng cộng đồng quốc tế, đã làm nên hình ảnh, thương hiệu Việt Nam an toàn, nghĩa tình, thân thiện, hấp dẫn.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội)
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, đầu tư kinh tế văn - xã là thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, thu được lợi ích kép, lợi ích về kinh tế, lợi ích về xã hội, an sinh. Và điều lớn lao nữa là xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trở thành thương hiệu quốc gia đặc sắc, có giá trị vật chất đặc biệt, riêng có của Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu lựa chọn đầu tư các ngành kinh tế văn - xã là trụ cột, là khâu đột phá để phát triển đất nước trong kế hoạch phát triển KT-XH thời gian tới và những năm tiếp theo.