Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Sáng 24-10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Theo đó, tại phiên họp, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày tóm tắt Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội trình bày báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật.

Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có sự đồng bộ tương thích chung về điều kiện, trình tự, thủ lục thành lập, giải thể công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam với Bộ luật Lao động năm 2019; về bảo đảm điều kiện hoạt động Công đoàn, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng tùy theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động thỏa thuận về thời gian tăng thêm. Vì trên thực tế các đơn vị, doanh nghiệp đông đoàn viên, người lao động thì việc thỏa thuận giữa Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động còn nhiều bất cập, có khi không thỏa thuận được nếu lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp chưa có ý kiến. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để quy định rõ số giờ được sử dụng trong tháng theo số lượng đoàn viên hoặc người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp có đông người lao động; về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn (khoản 3 Điều 30) dự thảo luật quy định: Trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn được tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng và số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng. Như vậy, trong trường hợp sau 12 tháng, người sử dụng lao động tức là các đơn vị, doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn, chưa khôi phục sản xuất thì phương án giải quyết như thế nào cho trường hợp này? Do đó, đề nghị Ban soạn thảo có nghiên cứu, bổ sung thêm cho chặt chẽ, tạo thuận lợi khi thực thi luật ban hành...

Đại biểu Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Đại biểu Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Cũng tham gia góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đề nghị bổ sung một ý vào khoản 3 của Điều 32 do Luật Nhà ở có hiệu lực ngày 01/8/2024 và trong Luật Nhà ở này lần đầu tiên giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dùng kinh phí công đoàn để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động thuê theo chính sách nhà ở xã hội. Vì vậy, cần bổ sung vào trong khoản 3 một nội dung là: "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cơ quan chủ quản dự án nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật".

Tại khoản 4 Điều 80 Luật Nhà ở năm 2023, chúng ta thấy đã quy định "Tổng Liên đoàn Việt Nam là cơ quan chủ quản xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân và người lao động thuê theo chính sách nhà ở xã hội, nhưng tại điểm i khoản 2 Điều 31 dự thảo lần này trình Quốc hội lại ghi khác đi một chút là "đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động thuê". Đại biểu đề nghị chỉnh lại cho chuẩn là "xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động thuê".

Tại phiên thảo luận, còn nhiều quy định trong dự thảo Luật được các đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm, làm rõ về địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam; về việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động tại Việt Nam; về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; về quyền gia nhập công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài; về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn;…

Kết luận phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Thanh - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với các cơ quan có liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các vị đại biểu Quốc hội phát biểu buổi sáng ngày hôm nay để hoàn chỉnh dự thảo luật và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội thông qua theo đúng chương trình của kỳ họp.

TRÍ NGHĨA

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202410/quoc-hoi-thao-luan-ve-mot-so-noi-dung-con-y-kien-khac-nhau-cua-du-thao-luat-cong-doan-sua-doi-9605bfa/