Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020
Quốc hội sáng nay (11-11) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với tỷ lệ tán thành 88,20%.
Sáng 11-11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với tỷ lệ ủng hộ 88,20%. Trong đó, số đại biểu tham gia biểu quyết là 430 (89,03%), số đại biểu tán thành là 426, số đại biểu không tán thành là 2 (0,41%) và số không biểu quyết là 2 (0,41%).
Nghị quyết theo đó đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu cho phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2020 là: thứ nhất, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; thứ hai, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%; thứ ba, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; thứ tư, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; thứ năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP;
Thứ sáu, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; thứ bảy, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; thứ tám, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; thứ chín, số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh;
Mười, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%; mười một là tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; cuối cùng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Trước khi bỏ phiếu thông qua nghị quyết, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các chỉ tiêu nêu trên với tỷ lệ ủng hồ 88,41% (422 đại biểu đồng ý trong số 427 đại biểu tham gia).
Về mục tiêu tổng quát, Nghị quyết đề nghị tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Nghị quyết yêu cầu phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nghị quyết cũng đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bên cạnh đó, Nghị quyết đề nghị làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2020, Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 41 Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Tăng trưởng GDP 6,8% là hợp lý
Trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra về nghị quyết, trong đó nêu rõ, về GDP, Chính phủ đề xuất tăng khoảng 6,8% (2019 chỉ tiêu này là 6,6-6,8%). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu GDP tăng từ 6,8% trở lên, ý kiến khác đề nghị chỉ tiêu này nên trong khoảng từ 6,7-6,8%, không ghi "khoảng 6,8%".
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2019, dự báo về bối cảnh, tình hình của năm 2020 còn nhiều biến động khó lường, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế. Từ đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội mục tiêu tăng GDP năm 2020 khoảng 6,8% là mức tăng hợp lý.
Mức tăng này bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phản hồi một số ý kiến đề nghị cân nhắc lại cách tính chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc. Xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn thách thức; cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản ngày càng mạnh mẽ; năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp hỗ trợ đã cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu...