Quỹ AFC Vietnam Fund thắng thị trường nhờ cổ phiếu bảo hiểm
Quỹ AFC Vietnam Fund có hiệu suất đầu tư -10% trong tháng 9, giảm ít hơn thị trường khi chỉ số VN-Index giảm 13,2% trong tháng vừa qua.
Trong tháng 9, hiệu suất đầu tư của AFC Vietnam Fund đạt -10%. Tính từ đầu năm, hiệu suất đầu tư của quỹ là -15,6%. Trong khi đó, chỉ số VN-Index giảm 13,2% trong tháng 9 và 27,7% tính từ đầu năm.
Tính tới cuối tháng 9, các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Quỹ bao gồm ABI – Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam (7,9%), PVI – Công ty cổ phần PVI (6,6%), TV2 – Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (5,6%) MPC – Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (5,4%) và LBM – Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng (5%).
Top 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục AFC Vietnam Fund
AFC Vietnam Fund cho biết, Quỹ đang đầu tư vào 48 cổ phiếu và nắm giữ 2,7% tiền mặt. Trước đó, tỷ trọng tiền mặt cuối tháng 8 là 5,3%, điều này đồng nghĩa với việc AFC Vietnam Fund duy trì giải ngân thêm trong thời gian qua.
Lý do AFC Vietnam Fund có thể chiến thắng thị trường trong tháng 9 xuất phát từ việc nắm gữ nhiều cổ phiếu bảo hiểm. Cụ thể, môi trường lãi suất cao hơn tác động tích cực hơn tới lợi nhuận của nhóm công ty bảo hiểm, bởi lãi tiền gửi có thể đóng góp tới 80% lợi nhuận của các doanh nghiệp này. Trong khi đó, 20% tỷ trọng danh mục của AFC Vietnam Fund là cổ phiếu của các công ty bảo hiểm.
Nhận định về diễn biến thị trường, AFC Vietnam Fund cho biết, chủ đề chính của giới đầu tư toàn cầu trong tháng 9 là mối lo về suy thoái tại Mỹ và châu Âu, sau khi các ngân hàng trung ương mạnh tay nâng lãi suất. Chính động thái này cũng kích hoạt đà bán tháo tại nhiều thị trường toàn cầu trong tháng vừa qua.
Một diễn biến đáng chú ý khác là việc USD tăng giá mạnh. Trong bối cảnh các rủi ro địa chính trị và vĩ mô rình rập, đồng USD hưởng lợi khi được xem là tài sản hấp dẫn. Đồng thời, động thái nâng lãi suất quyết liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng cổ vũ đà tăng của đồng bạc xanh.
Trong bối cảnh này, tình hình tại Việt Nam không quá tệ, nhất là khi các yếu tố vĩ mô mạnh hỗ trợ. VND chỉ mất giá khoảng 4,4% so với USD, mức khá thấp so với các đồng tiền khác tại châu Á.
Tỷ lệ mất giá của các đồng tiền khu vực châu Á so với USD
Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường duy nhất tại châu Á – Thái Bình Dương được Moody nâng hạng vào tháng 9/2022. Theo đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.
Việc Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài.
Moody’s đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hóa xuất khẩu và khả năng tiếp tục thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất chế biến chế tạo.