Quỹ đầu tư hào hứng với cơ hội mua cổ phiếu
Các quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam đưa ra lời khuyên giao dịch thận trọng, nhưng không hề do dự trước những cơ hội.
Thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo trong những phiên giao dịch gần đây khi dịch Covid-19 bùng phát nhanh chóng, trong đó chứng khoán Mỹ bay hơi 1.700 tỷ USD chỉ trong 2 ngày 24 - 25/2/2020, chỉ số S&P 500 giảm 6,2%.
Thị trường chứng khoán có thể đảo lộn, nhưng nhiều nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào các quỹ ETF. Kể từ đầu năm tới ngày 24/2/2020, các quỹ ETF trên toàn cầu đã đón nhận dòng vốn gần 100 tỷ USD, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD, theo số liệu từ ETF.com.
Diễn biến này cho thấy, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư năm 2020 chưa bị lung lay trước tình trạng dịch bệnh lan rộng.
Cùng chung diễn biến với thị trường toàn cầu, các quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam đưa ra lời khuyên giao dịch thận trọng, nhưng không do dự trước những cơ hội.
Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) nhận định, thị trường chứng khoán giao dịch thận trọng do nhiều nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài quan sát diễn biến của Covid-19 và đánh giá những ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế.
Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã xuất hiện những ảnh hưởng nhất định, tuy nhiên, mức độ tác động chưa lớn.
Đối với tình hình quốc tế, Trung Quốc tiếp tục thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.
Với việc dịch bệnh bùng phát tại các quốc gia khu vực châu Á như Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản, tâm lý nhà đầu tư sẽ khó có thể được cải thiện trong thời gian ngắn và nhiều khả năng dòng tiền tiếp tục đứng ngoài thị trường và chỉ tham gia bắt đáy khi giá giảm mạnh.
“Thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán đang chịu những rủi ro nhất định về vĩ mô, do đó, nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp nên đầu tư vào quỹ trái phiếu VFB và hạn chế tham gia vào các quỹ cổ phiếu VF1, VF4”, VFM nói.
Trong khi đó, Quỹ PYN Elite có góc nhìn lạc quan trước diễn biến thị trường với tâm thế và sẵn sàng dốc hầu bao.
Quỹ đầu tư của Phần Lan này nhận định, giá cả tại thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở nên hấp dẫn ngay cả trước khi lao dốc.
Các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đang chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng và sẵn sàng để cất cánh trong vài năm tới.
Trong khi chứng khoán Mỹ và Phần Lan có màn biểu diễn vượt trội, dù tăng trưởng lợi nhuận “lờ đờ”, thì P/E của chỉ số Vietnam Allshare năm 2020 lại ở mức 10,5x và năm 2021 là 9x, quá rẻ với triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
“Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong quý I, dù xuất khẩu tiếp tục tăng 5,3% trong 1,5 tháng đầu năm. Hiện tại, đã tới lúc tận dụng thời cơ từ tình trạng này. Các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của PYN Elite có P/E năm 2020 ở mức 8,5 lần và chỉ 7 lần năm sắp tới”, PYN Elite cho biết.
Theo Bloomberg, các nhà quản lý quỹ đầu tư đánh giá, Việt Nam vẫn là địa điểm được ưa chuộng bậc nhất để tìm kiếm sự tăng trưởng.
Sức hấp dẫn này tới từ định giá cổ phiếu đang ở mức rẻ nhất kể từ năm 2017 và nền kinh tế tăng trưởng ít nhất 5% mỗi năm trong suốt 2 thập kỷ qua.
Trong khi đó, VN-Index đã xóa sạch gần hết đà tăng năm 2019 và P/E ước tính trong năm tới chỉ ở mức 12 lần.
“Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia ưa thích của tôi với triển vọng tăng trưởng tích cực, giá trị hợp lý và lợi suất tốt. Tôi chắc chắn sẽ mua thêm nhiều cổ phiếu khi có các tín hiệu rõ ràng hơn”, Federico Parenti, nhà quản lý quỹ Sempione Sim SpA tại Milan chia sẻ.
Đà bán tháo trên thị trường gần đây giúp nhà đầu tư phát hiện ra những cơ hội đầu tư giá trị tại lĩnh vực giao thông, năng lượng và tiêu dùng, theo Andrew Brudenell, Giám đốc quỹ đầu tư thị trường cận biên tại Ashmore Group Plc.
Cùng đánh giá về cơ hội, Ruchir Desai, nhà quản lý quỹ tại Aisa Frontier Capital Ltd cho rằng, ông rất quan tâm tới cổ phiếu liên quan tới nhóm du lịch.