Quy định lái xe kinh doanh vận tải phải có 'chứng chỉ nghề' không phù hợp chủ trương cải cách hành chính
Sau khi nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được chuyển sang Bộ Công an thì Bộ GTVT đã bổ sung thêm quy định bổ sung chứng chỉ hành nghề ngoài giấy phép lái xe đối với loại hình kinh doanh vận tải.
Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết so với Luật GTĐB 2008 thì dự thảo mới nhất của Luật GTĐB sửa đổi (do Bộ GTVT soạn thảo) đã có sự thu hẹp phạm vi điều chỉnh.
Cụ thể, dự thảo luật sửa đổi chỉ quy định về kết cấu hạ tầng GTĐB, phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về GTĐB. Theo đó, quy tắc GTĐB và quy định về người lái xe không còn có trong Luật GTĐB nữa mà được chuyển sang dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB (do Bộ Công an soạn thảo).
Tuy nhiên, ở dự luật GTĐB sửa đổi nêu trên, Bộ GTVT vẫn đề ra thêm những quy định riêng về người lái xe kinh doanh.
Cụ thể, ở chương IV về vận tải đường bộ có hai điều quy định về quyền, nghĩa vụ của người lái ô tô kinh doanh vận tải hành khách và của người lái ô tô vận tải hàng hóa. Điều 61 của chương IV còn quy định về thời gian làm việc của người lái ô tô kinh doanh vận tải mà theo đó "người có giấy phép lái xe ô tô muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải".
Theo bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay nhiều người chỉ học lái xe để lái xe cá nhân, gia đình đơn thuần nhưng với chương trình đào tạo lái xe hiện nay họ bắt buộc phải học cả phần nội dung về kinh doanh vận tải. Ví dụ như người học lái xe bằng B2 (như lái xe taxi) hay học lái xe bằng C nhưng không dùng để tham gia kinh doanh vận tải thì bị thừa, điều này rất lãng phí cho xã hội và người học.
Do vậy, khi người học có nhu cầu học lái xe để phục vụ kinh doanh vận tải (taxi, vận tải hàng hóa, vận tải hành khách ) thì các cơ sở đào tạo sẽ đào tạo chuyên sâu cho người học. Ngược lại những người không có nhu cầu này, chỉ học để có kỹ năng lái xe cá nhân, gia đình thì không bắt buộc phải học chương trình về kinh doanh vận tải ô tô.
"Quy định này rất có lợi cho người học, hiện nay, theo thống kê có hơn 6 triệu giấy phép lái xe, trong khi đó, chỉ có hơn 1,5 triệu xe đang hoạt động kinh doanh vận tải. Như vậy nếu tính trường hợp cao nhất trong 5 triệu giấy phép lái xe đó sẽ cùng lắm khoảng hơn 2 triệu người đã học lái xe sẽ sử dụng bằng lái xe đó để hoạt động kinh doanh vận tải thực sự. Như vậy, quy định trên sẽ chỉ tập trung vào những đối tượng học bằng lái xe để kinh doanh vận tải, còn lại những người không có nhu cầu sẽ không phải học nữa. Đây chính là lợi ích mà quy định mới mang lại", bà Phan Thị Thu Hiền cho hay.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia giao thông La Văn Thái cho biết: Cả nước đã và đang rà soát loại giấy phép con theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và bước đầu có hiệu quả. Quy định lái xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ nghề rõ ràng không phù hợp, gây phiền phức cho người học, làm tăng thêm chi phí.
Ông Thái chỉ ra những bất cập như tài xế có bằng lái muốn hành nghề dịch vụ phải đăng ký vào doanh nghiệp kinh doanh vận tải rồi nên quy định thêm chứng chỉ nghề sẽ gây chồng chéo dễ phát sinh dịch vụ "chạy chứng chỉ". Chưa kể trong trường hợp, nếu người dân thuê xe tự lái (xe cho thuê là xe kinh doanh) vậy có phải cần chứng chỉ hành nghề không?.
"Chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải sẽ không có tác dụng gì ngoài việc phát sinh thêm một loại "giấy phép con" gây phiền phức tốn kém. Nếu nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông thì cần siết chặt quy trình cấp giấy phép lái xe và nâng cao ý thức chấp hành luật GTĐB cho mọi người. Bởi dù có quy định thêm bao nhiêu "giấy phép con" mà người lái không có ý thức thì cũng vô dụng", vị chuyên gia chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho hay: Lâu nay đã có quy định người lái xe kinh doanh vận tải phải được tập huấn định kỳ ba năm một lần. Mục đích để họ cập nhật các quy định mới, các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại. Điều này là phù hợp và đã đi vào cuộc sống của các tài xế cũng như các doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã.
Hiện nay, việc phân biệt giữa xe kinh doanh vận tải và không kinh doanh vận tải chỉ là tương đối. Việc quy định có thêm chứng chỉ hành nghề sẽ khiến công tác tuyển dụng tài xế ở các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ càng khó khăn hơn, vận tải công cộng càng khó phát triển hơn.
"Trong khi đó, xét về sự cần thiết, việc lái xe kinh doanh vận tải hay không thì người lái xe đều phải nắm được cả về lý thuyết và có kỹ năng đạt yêu cầu về nghiệp vụ vận tải, kỹ năng lái xe an toàn. Vì vậy, quy định có thêm chứng chỉ là không cần thiết…", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ.
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 17 thẩm tra dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp, tránh gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có phương tiện tham gia giao thông và bảo đảm tính khả thi.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, nếu nảy sinh thêm chứng chỉ thì không đúng với tinh thần chung của Chính phủ là cắt giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Ngọc Khánh đề nghị có hướng quy định cụ thể để vừa đảm bảo quy định pháp luật nhưng cũng vừa tạo thuận lợi cho người dân, ví dụ nâng giáo án lên trong quá trình đào tạo, sát hạch lái xe chứ không nên thêm chứng chỉ.