Quy định mới về sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên trong ngành Kiểm sát nhân dân
Viện trưởng VKSND tối cao vừa ban hành Thông tư số 03/2024/TT-VKSTC ngày 23/10/2024 quy định về quản lý, sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm tra viên trong ngành Kiểm sát nhân dân (KSND).
Chỉ được sử dụng vào mục đích công vụ, nhiệm vụ
Thông tư này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, thu hồi, quản lý, sử dụng đối với: Trang phục; Giấy chứng minh Kiểm sát viên; Giấy chứng nhận Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra (Giấy chứng nhận Điều tra hình sự); Giấy chứng nhận Kiểm tra viên trong ngành KSND.
Việc quản lý, sử dụng trang phục tại Viện kiểm sát quân sự các cấp thực hiện theo quy định về trang phục đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thông tư này áp dụng đối với hệ thống cơ quan VKSND và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ trong hệ thống cơ quan VKSND, bao gồm: Đơn vị thuộc VKSND tối cao; VKSND cấp cao; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (VKSND cấp tỉnh); VKSND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (VKSND cấp huyện); Viện kiểm sát quân sự các cấp (đối với việc quản lý, sử dụng Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra hình sự, Giấy chứng nhận Kiểm tra viên).
Về nguyên tắc, Thông tư nêu rõ các nguyên tắc gồm: Quản lý, sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra hình sự, Giấy chứng nhận Kiểm tra viên phải đúng đối tượng, tiêu chuẩn, mục đích và thống nhất trong ngành KSND.
Chỉ sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra hình sự, Giấy chứng nhận Kiểm tra viên vào mục đích công vụ, nhiệm vụ; mọi vi phạm trong việc thực hiện Thông tư này phải được phát hiện, xử lý kịp thời, khách quan, đúng quy định của pháp luật và của ngành KSND.
Về trang phục, Thông tư quy định: Trang phục gồm: Trang phục thường dùng và lễ phục. Trang phục thường dùng gồm: Quần, áo xuân hè; quần, áo thu đông; áo khoác chống rét; áo sơ mi dài tay; mũ kêpi; cà vạt; thắt lưng; giày da; bít tất; dép quai hậu; áo mưa; cặp đựng tài liệu; phù hiệu VKSND, bộ phù hiệu gắn trên ve áo, bộ cấp hiệu gắn trên vai áo, biển tên theo quy định của pháp luật. Lễ phục gồm: Quần áo lễ phục mùa hè, quần áo lễ phục mùa đông, áo sơ mi dài tay lễ phục mùa đông, mũ kêpi, bộ cành tùng đơn gắn trên ve áo lễ phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển tên, cuống đeo huân chương theo quy định của pháp luật.
Quy định về sử dụng trang phục thường, lễ phục, mũ kêpi
Theo Thông tư quy định, công chức, viên chức, người lao động trong giờ làm việc hoặc khi thực hiện nhiệm vụ phải sử dụng trang phục ngành Kiểm sát nhân dân đồng bộ, thống nhất như sau:
Mùa hè: Mặc quần áo xuân hè, áo để ngoài quần, đeo phù hiệu, cấp hiệu, đeo biển tên ở ngực áo bên phải và mang giày, bít tất hoặc dép quai hậu được cấp.
Mùa đông: Mặc quần áo thu đông, áo sơ mi phải để trong quần, đeo thắt lưng, thắt cà vạt, đeo phù hiệu, cấp hiệu, đeo biển tên ở ngực áo bên phải và mang giày, bít tất được cấp theo đúng quy định.
Công chức, viên chức, người lao động công tác tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc sử dụng trang phục theo mùa: Mặc trang phục xuân hè từ ngày 1 tháng 4 đến hết ngày 31 tháng 10 hàng năm, mặc trang phục thu đông từ ngày 1 tháng 11 năm trước đến hết ngày 31 tháng 3 năm sau.
Công chức, viên chức, người lao động các đơn vị từ thành phố Đà Nẵng trở vào các tỉnh phía Nam mặc trang phục xuân hè.
Trong thời gian giao mùa giữa mùa hè và mùa đông, 15 ngày trước và sau ngày 1/4 và 1/11 hàng năm, việc mặc trang phục thu đông hoặc xuân hè do Thủ trưởng cơ quan quyết định.
Ngoài khoảng thời gian nêu trên, những địa phương có thời tiết trong ngày khác nhau, căn cứ dự báo thời tiết của cơ quan khí tượng thủy văn, nếu nhiệt độ trong ngày dưới 20°C thì mặc trang phục thu đông, nếu nhiệt độ từ 20°C trở lên thì mặc trang phục xuân hè; khi sinh hoạt tập trung (tham dự hội nghị, cuộc họp...) việc thống nhất mặc trang phục xuân hè hoặc thu đông do Thủ trưởng cơ quan quyết định.
Về sử dụng lễ phục: Cán bộ, công chức, viên chức sử dụng lễ phục ngành Kiểm sát nhân dân đồng bộ, thống nhất từ quần, áo, cà vạt, thắt lưng, giày, bít tất khi tham dự: Lễ mít tinh kỷ niệm do Đảng, Nhà nước, VKSND tối cao tổ chức; Đại hội đảng toàn quốc, họp Quốc hội; Lễ đón nhận huân, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước; Lễ tang cấp nhà nước; Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ, chức danh tư pháp (đối với người được bổ nhiệm).
Việc sử dụng lễ phục trong từng trường hợp quy định nêu trên và các trường hợp cụ thể khác do Trưởng ban tổ chức hội nghị hoặc Thủ trưởng cơ quan quyết định.
Khi sử dụng lễ phục được đeo huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu của Đảng, Nhà nước, của Ngành và những huân chương, huy chương, kỷ niệm chương nước ngoài tặng được VKSND tối cao cho phép đeo.
Huân chương, huy chương, kỷ niệm chương, huy hiệu được đeo ở ngực áo bên trái theo thứ tự hạng bậc cao đến hạng bậc thấp, từ trên xuống dưới, từ trái qua phải.
Sử dụng mũ kêpi: Cán bộ, công chức, viên chức sử dụng mũ kêpi trong các trường hợp sau: Kiểm sát khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, kiểm sát cưỡng chế thi hành án, kê biên tài sản, kiểm sát nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam (nếu xét thấy cần thiết); trong trường hợp sử dụng lễ phục nêu trên.
Các trường hợp cụ thể khác do Thủ trưởng cơ quan hoặc Trưởng ban tổ chức hội nghị quyết định.
Những trường hợp không phải sử dụng trang phục
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong giờ làm việc hoặc khi thực hiện nhiệm vụ không phải sử dụng trang phục:
Do yêu cầu công tác, tiếp khách quốc tế, hội thảo quốc tế hoặc tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội.
Nữ công chức, viên chức, người lao động trong thời gian mang thai đến khi sinh con được 12 tháng tuổi, trừ trường hợp khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định phải sử dụng trang phục.
Công chức, viên chức, người lao động mới được tuyển dụng, tiếp nhận chưa được cấp trang phục.
Cơ quan, người có thẩm quyền cấp mới, cấp đổi, cấp lại, thu hồi
Thông tư cũng quy định về cơ quan, người có thẩm quyền cấp mới, cấp đổi, cấp lại, thu hồi trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra hình sự, Giấy chứng nhận Kiểm tra viên.
Cụ thể, VKSND tối cao cấp mới, cấp đổi, cấp lại, thu hồi trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại VKSND tối cao; VKSND cấp cao cấp mới, cấp đổi, cấp lại, thu hồi trang phục đối với công chức, người lao động công tác tại VKSND cấp cao; VKSND cấp tỉnh cấp mới, cấp đổi, cấp lại, thu hồi trang phục đối với công chức, người lao động công tác tại VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện trực thuộc theo quy định.
Viện trưởng VKSND tối cao có thẩm quyền: Cấp mới, cấp đổi, cấp lại, thu hồi Giấy chứng minh Kiểm sát viên của Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND các cấp, Viện kiểm sát quân sự các cấp, Kiểm sát viên các ngạch theo quy định của pháp luật; cấp mới, cấp đổi, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận Điều tra hình sự của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên các ngạch và Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương theo quy định của pháp luật; cấp mới, cấp đổi, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận Kiểm tra viên của Kiểm tra viên các ngạch thuộc VKSND các cấp, Viện kiểm sát quân sự các cấp theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2024. Bãi bỏ Thông tư số 01/2015/TT-VKSTC ngày 30/12/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao quy định về quản lý, sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên trong ngành KSND và Công văn số 4063/VKSTC-V15 ngày 26/9/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên trong ngành KSND.