Quý III, Việt Nam có 31,8 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Sáng 6/10, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê họp báo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2020. Tại buổi họp báo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã thông báo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2019.
Theo đó, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tái bùng phát vào cuối tháng 7 tại thành phố Đà Nẵng đã tác động đến tình hình lao động, việc làm của cả nước và ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động sau thời gian giãn cách toàn xã hội vào tháng 4/2020.
Tính đến hết tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình trạng thất nghiệp quý III đã có dấu hiệu giảm nhiệt so với quý II tại một số quốc gia trên thế giới, như Canada, Mỹ, Trung Quốc với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 năm 2020 tương ứng là 10,2%; 8,4%; 5,9%.
Trong nước, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là hơn 1,2 triệu người, giảm 63.000 người so với quý trước và tăng 148.200 người so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu nhập của người lao động quý III năm 2020 đã cải thiện so với quý trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức.
Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III đạt 5,5 triệu đồng, tăng 258.000 đồng so với quý trước và giảm 115.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2020 ở ba khu vực kinh tế được cải thiện nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả Điều tra lao động việc làm quý III năm 2020 cho thấy, người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Đây là những đối tượng quan trọng góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới, do vậy, các chính sách cần tiếp tục tập trung vào các đối tượng này nhằm củng cố niềm tin, tạo động lực và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.
Trong đó, tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Tập trung hỗ trợ cho các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức và lao động chính thức trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phi chính thức nhằm giúp họ tìm kiếm việc làm và đóng góp sức lao động trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế; Đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19./.