Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa được quan tâm thấu đáo

Đó là quan điểm của Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) khi phát biểu tại Quốc hội ngày 5/11, về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng: “Đất nước đang rất cần dồn lực cho phát triển. Ngân sách của chúng ta, ai cũng biết còn rất eo hẹp, chúng ta vẫn đang phải đi vay không ít cho đầu tư phát triển. Dự kiến năm tới cần vay đến khoảng 815.000 tỷ đồng, nhưng về vấn đề chính sách tài khóa, tiền tệ và một số vấn đề chưa được quan tâm thấu đáo”.

Từ thực tế trên, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng nêu hai vấn đề. Thứ nhất, liên quan đến các quỹ tài chính nhà nước tập trung vào định chế bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo Báo cáo 647 ngày 15/10/2024 của Chính phủ, tổng số dư đầu năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý là khoảng 1.420.000 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu là số dư của 3 quỹ, gồm Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, chiếm gần 91% tổng số dư các quỹ.

 Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu tại Quốc hội ngày 5/11.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu tại Quốc hội ngày 5/11.

“Ước tính đến cuối năm nay, số dư nguồn các quỹ đạt khoảng 1.477.000 tỷ đồng, tăng khoảng 56.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, số dư của 3 quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm gần như tuyệt đối, trên 91% tổng số dư các quỹ, tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng. Riêng đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng thu trong năm 2024 ước đạt khoảng 410.000 tỷ đồng, bao gồm cả ngân sách nhà nước chuyển vào, tổng chi khoảng 352.000 tỷ đồng, chênh lệch thu chi khoảng 58.000 tỷ đồng, số dư quỹ cuối năm dự kiến khoảng 1.242 tỷ đồng, tăng gần 5%, tức là khoảng 58.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, trong đó, chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Vấn đề là cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của khối nguồn vốn gần 1,3 triệu tỷ đồng trên thế nào, khả năng bảo toàn và sinh lời của chúng ra sao, theo đó là sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội có được hoàn thành không?”, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng đặt vấn đề.

Theo đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ điều này, kể cả những vấn đề được các đại biểu khác từng đề cập, như tình hình giải quyết nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện nay, việc xử lý tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

 Các đại biểu tham gia phiên họp.

Các đại biểu tham gia phiên họp.

“Theo giới chuyên gia, chiếm hầu hết trong cơ cấu sử dụng vốn của bảo hiểm xã hội là khoản mục tài sản trái phiếu Chính phủ Việt Nam, ước tới cuối năm nay khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, bao gồm cả lượng trái phiếu 324.000 tỷ đồng đã được Bộ Tài chính nhận nợ trong quá khứ và lưu hành trên thị trường. Khoản mục tài sản này chiếm tới khoảng 92% tổng nguồn vốn của bảo hiểm xã hội, trong khi hiển nhiên có rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường nhưng chưa từng được các cơ quan phụ trách cũng như chính bản thân cơ quan bảo hiểm xã hội nhận diện, đo lường và công bố”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.

“Tất nhiên, xét về khía cạnh nhiệm vụ chính trị, có vẻ như Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tròn vai và một trong những hệ lụy cung cách đầu tư vốn của Bảo hiểm xã hội xưa và nay là làm méo mó thị trường trái phiếu Chính phủ, làm giá cả trên thị trường này không phản ánh đúng tương quan cung - cầu thực về trái phiếu. Nói theo giới chuyên môn là đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ chưa bao giờ được coi là chuẩn để các thị trường vốn và tiền tệ tham chiếu như thông lệ quốc tế tốt mà chúng ta đang hướng tới”, ông Đồng phân tích.

Vấn đề thứ hai, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, liên quan đến việc điều hành tồn dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Như chúng ta đã biết, nhờ quyết tâm chính trị, từ năm 2017, Bộ Tài chính đã chính thức chấp nhận chuyển dần theo lộ trình lượng tiền tồn dư của Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước trong công tác điều hành chính sách tiền tệ của quốc gia.

 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 5/11.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 5/11.

Tuy nhiên, trên thực tiễn, quá trình triển khai diễn ra chưa thực sự được suôn sẻ, thể hiện ở việc Kho bạc Nhà nước tiến hành đấu thầu tiền gửi trở lại ở các ngân hàng thương mại mà có những lúc không phù hợp về thời điểm, về liều lượng, kỳ hạn hay mức lãi suất.

Vấn đề này, nhiều khi đã khiến Ngân hàng Nhà nước bị động và gặp khó khăn trong công tác điều tiết cung tiền trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nhằm hướng tới mục tiêu ổn định tiền tệ và hoạt động của ngân hàng. Lý do chính, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng là nằm ở sự xung đột giữa mục tiêu phối hợp tốt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm điều hành kinh tế vĩ mô với mục tiêu bảo toàn và tối đa hóa lợi nhuận, lợi ích chi phí nguồn ngân quỹ nhà nước. Sự xung đột mục tiêu hay xung đột lợi ích này sẽ càng lớn, càng phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy khi lượng tồn dư ngân quỹ quốc gia đang có xu hướng ngày càng phình to.

“Xin lưu ý số tiền gửi Kho bạc Nhà nước bình quân tại hệ thống ngân hàng giai đoạn 2017-2019 quanh cỡ 300 đến 500 nghìn tỷ đồng thì sang giai đoạn hậu Covid-19 đã tăng nhanh và có lúc xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng. Sự tồn dư ngân quỹ lớn chủ yếu do công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước bị trì trệ những năm qua. Trong khi công tác cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn chưa thực sự tối ưu, còn bị động lớn do phụ thuộc vào nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau. Nhân đây, tôi cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát lại những quy định và tháo gỡ “những điểm nghẽn của những điểm nghẽn này” một cách tốt nhất”, đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ quan điểm.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quy-tai-chinh-nha-nuoc-ngoai-ngan-sach-chua-duoc-quan-tam-thau-dao-post320097.html