Quỹ tiền tệ quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019
IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2020 xuống còn 1,9%, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống còn 6,2% trong năm 2019 và 6% trong năm sau.
Ngày 23/7, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 và năm tới, đồng thời cảnh báo những căng thẳng thương mại và tình trạng bất ổn kéo dài đang cản trở "sức khỏe" của nền kinh tế thế giới.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu được công bố hàng quý, IMF đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 và năm 2020 lần lượt xuống còn 3,2% và 3,5%, thấp hơn 0,1% so với mức dự đoán trước đó. Báo cáo của IMF đã gióng hồi chuông cảnh báo và cho rằng tình hình kinh tế thế giới có thể xấu hơn.
Trong báo cáo quý của IMF, Mỹ, trung tâm của những căng thẳng thương mại hiện nay, lại ghi nhận sự tăng trưởng nhờ chỉ số kinh tế khả quan trong đầu năm 2019.
Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2019 tăng 0,3%, lên mức 2,6%. Tuy nhiên, IMF cảnh báo nhu cầu yếu, một phần do căng thẳng thương mại và thuế, sẽ cản đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này vào những tháng còn lại của năm 2019. Do vậy, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2020 xuống còn 1,9%.
Trong khi đó, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, vốn bị ảnh hưởng đáng kể do cuộc chiến thương mại với Mỹ, xuống còn 6,2% trong năm 2019 và 6% trong năm sau.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu lần này của IMF, tăng trưởng kinh tế tại một số nước phát triển như Đức, Nhật Bản hay khu vực Mỹ Latinh đều cùng xu hướng giảm.
Theo đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong năm 2019 và 2020 xuống còn 0,7% và 1,7 %. Trong khi đó, IMF dự báo kinh tế của khu vực Mỹ Latinh chỉ tăng 0,6% trong năm 2019, giảm hơn 50% so với mức 1,4% của báo cáo trước.
IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 của Brazil và Mexico, hai nền kinh tế lớn Mỹ Latinh, lần lượt xuống còn 0,8% và 0.9%.
Nhìn chung, các nền kinh tế châu Âu khác như Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh ghi nhận mức dự báo tăng trưởng không đổi so với mức dự đoán trước đó.
Theo IMF, căng thẳng thương mại gây tác động đến hoạt động đầu tư và các nước cần thúc đẩy các cuộc thương lượng thay vì triển khai chính sách áp thuế.
Tổ chức này một lần nữa cho rằng việc giải quyết sự bất ổn vẫn là vấn đề gây áp lực nhất đối với kinh tế toàn cầu và các chính phủ cần tránh các bước đi sai lầm vốn có thể làm suy yếu đà tăng trưởng và thị trường việc làm./.