Quyết tâm tăng trưởng xanh, đồng hành cùng hai đối tác EU quan trọng

Chuyến công tác châu Âu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, khẳng định Việt Nam coi trọng tăng cường, thúc đẩy quan hệ với hai đối tác quan trọng tại Liên minh châu Âu (EU).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gặp Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander Claus George Ferdinand nhân dịp dự Hội nghị của Liên hợp quốc rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu trong thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2022 tại New York, Mỹ ngày 23/3/2023. (Nguồn: VGP)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gặp Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander Claus George Ferdinand nhân dịp dự Hội nghị của Liên hợp quốc rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu trong thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2022 tại New York, Mỹ ngày 23/3/2023. (Nguồn: VGP)

Từ ngày 21-27/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ) về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới và làm việc tại Pháp; đồng chủ trì cuộc họp lần thứ tám Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; làm việc tại Hà Lan.

Cải tổ hệ thống tài chính đa phương vì tăng trưởng bền vững

HNTĐ về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới là sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra tại HNTĐ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2022, với mục tiêu thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính quốc tế, xử lý khủng hoảng về khí hậu, đa dạng sinh học và phát triển thông qua việc tăng cường tài chính, hỗ trợ vốn ưu đãi cho các nước đang phát triển phương Nam.

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh thế giới đứng trước nhiều cuộc khủng hoảng chưa từng có như biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học cùng các tác động của đại dịch Covid-19, xung đột và gia tăng bất bình đẳng. Hệ quả trước hết là nguồn chi ngân sách của các quốc gia kiệt quệ, nợ công tăng vọt, khiến việc đạt các mục tiêu phát triển bền vững cũng như các cam kết Montreál và Côn Minh về biến đổi khí hậu ngày càng khó khăn.

Do đó, để có nguồn lực cùng ứng phó với những thách thức gồm cả biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, nghèo đói hay sức khỏe toàn cầu, và đầu tư cho tương lai thì các quốc gia cần xây dựng một hiệp ước tài chính toàn cầu mới. Cộng đồng quốc tế cần chia sẻ tầm nhìn chung nhằm cải tổ hệ thống tài chính đa phương và xác định ra các phương thức mới để cùng tiến tới đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững và chuyển dần sang nền kinh tế không carbon.

Dự kiến, Hội nghị năm nay có sự tham dự của khoảng 300 đoàn đại biểu đại diện các quốc gia, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp, với khoảng 100 lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế.

Đề cao ý nghĩa sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nêu rõ Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu nên xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Điều này thể hiện qua cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) tại Hội nghị COP26, và quyết định tham gia Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một số nước G7 và đối tác quốc tế khác. Những cam kết này phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, đồng thời đóng góp cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, sự tham gia HNTĐ Hiệp ước tài chính toàn cầu mới tại Paris là tiếp tục sự cam kết mạnh mẽ, nhất quán của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết thách thức toàn cầu.

Tiếp theo các cam kết của Việt Nam tại COP21 Paris, COP26 Glasgow và tham gia JETP năm 2022, việc tham dự HNTĐ Hiệp ước tài chính toàn cầu mới là bước đi cụ thể để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với sự hỗ trợ của quốc tế.

Theo đó, Việt Nam thể hiện mong muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Hợp tác hiệu quả với hai đối tác EU

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có một số hoạt động song phương tại Pháp và Hà Lan, trong bối cảnh quan hệ Việt Nam với hai quốc gia thành viên EU tiếp tục phát triển tích cực, mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.

Với Pháp, năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Hai bên thường xuyên duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn và các cơ chế hợp tác, chia sẻ nhiều quan điểm chung về các vấn đề toàn cầu, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế.

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, chính sách đối ngoại của Việt Nam và Pháp có những điểm giao thoa quan trọng, mạnh mẽ hướng tới hợp tác và hòa bình, an ninh và phát triển. Đứng trước những thách thức mới đặt ra, cả hai nước đều đang tập trung nỗ lực phục hồi kinh tế đi đôi với bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của mình.

Đáng chú ý, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp gồm khoảng 300.000 người, là cộng đồng người Việt lớn nhất tại châu Âu, có nhiều đóng góp quan trọng giúp quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực.

Nhìn về tương lai, hai nước đứng trước nhiều cơ hội để đưa hợp tác lên tầm cao mới trong những năm tới và những thập kỷ tới với sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự tích cực của các đối tác trên mọi lĩnh vực.

Với Hà Lan, năm 2023 cũng là năm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Hà Lan, ghi dấu chặng đường nửa thế kỷ hợp tác vì lợi ích của hai nước và sự tiến bộ chung trên thế giới. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước (2010), Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (2014) và Đối tác toàn diện (2019).

Hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp và các cơ chế hợp tác song phương, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế. Đặc biệt, Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Âu.

Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh cho biết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thăm Hà Lan lần này hướng đến nội dung hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững với vai trò đồng chủ trì phiên họp lần thứ tasm Ủy ban liên chính phủ về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước.

Chỉ ra rằng những hoạt động song phương trong chuyến công tác tại Hà Lan của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có chủ đề trọng tâm là hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, Đại sứ Phạm Việt Anh tin rằng, đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt mảng hợp tác chiến lược giữa hai nước, mang ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam trong quá trình vượt qua thách thức của thiên nhiên trong những thập niên tới.

Với những nội dung thiết thực đó, chuyến công tác kết hợp song phương và đa phương của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thể hiện vai trò của Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, chủ động, tích cực của cộng đồng quốc tế trong đối phó với các thách thức chung; đồng thời khẳng định sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy đồng bộ, hiệu quả quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU và các nước thành viên, trong đó có Pháp và Hà Lan.

Huyền Trâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quyet-tam-tang-truong-xanh-dong-hanh-cung-hai-doi-tac-eu-quan-trong-231740.html