Rà soát Đề án Khai thác quỹ đất Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1

Theo các quy định mới của pháp luật, việc xây dựng Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận dự án giao thông để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khi triển khai Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 không còn phù hợp với các căn cứ pháp lý.

Việc lập đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông khi triển khai Đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 không còn phù hợp với các căn cứ pháp lý.

Việc lập đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận các dự án giao thông khi triển khai Đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 không còn phù hợp với các căn cứ pháp lý.

Trong khi đó, việc khai thác quỹ đất vùng phụ cận là một trong những giải pháp huy động nguồn lực để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trong Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1.

Dự kiến khai thác nhiều quỹ đất tạo vốn

Tháng 2-2024, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường.

Đề án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1 tách thành 2 khu vực gồm Dự án Khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh với quy mô diện tích khoảng 44 hécta và Dự án Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 có diện tích khoảng 283 hécta.

Quá trình triển khai Dự án Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 được phân kỳ thực hiện, trong đó khu 1 có diện tích hơn 75 hécta nằm về phía Nam KCN Biên Hòa 1 cơ bản đáp ứng các tiêu chí để thực hiện trước trong giai đoạn 2023-2030; thủ tục triển khai thực hiện dự án hoàn thành trong giai đoạn 2023-2026.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, Dự án Đầu tư xây dựng 3 tuyến đường trong nội bộ khu 1, Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 có tổng mức đầu tư hơn 318 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, quá trình triển khai Dự án Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 đối với khu 1 có 4 bước gồm: lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án hạ tầng giao thông khu 1; lập đề án khai thác đất vùng phụ cận để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Điều 16 Nghị định 33/2019/NĐ-CP ngày 23-4-2019 của Chính phủ; lập thủ tục bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; sau khi hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và Dự án Đầu tư xây dựng các tuyến đường trong nội bộ khu 1 hoàn thành sẽ giao Sở Tài nguyên và môi trường đề xuất tham mưu UBND tỉnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Tương tự, các phân khu còn lại sẽ thực hiện theo các bước nói trên trong giai đoạn 2024-2030; trong đó, thủ tục triển khai thực hiện dự án hoàn thành trong giai đoạn 2024-2027.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư để xây dựng 3 tuyến đường trong nội bộ khu 1, Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1.

Về tiến độ thực hiện Dự án Xây dựng 3 tuyến đường trong nội bộ khu 1, Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Nguyễn Linh cho biết, hiện nay đã hoàn thành công tác khảo sát và đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Cùng với việc hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng 3 tuyến đường trong nội bộ khu 1, các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai xây dựng đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận của 3 tuyến đường này.

Tháng 8-2024, Sở Tài nguyên và môi trường cho biết, qua tổng hợp các khu đất có thể xem xét, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong giai đoạn 2025-2030, đơn vị đề xuất đưa 5 khu đất thuộc Đề án Khai thác quỹ đất vùng phụ cận các trục đường nội bộ khu 1, Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 vào đấu giá trong giai đoạn này. Theo đó, 5 khu đất được đề xuất đưa vào đấu giá có diện tích hơn 36 hécta.

Rà soát quy định, tìm phương án thu hồi đất

Khai thác quỹ đất vùng phụ cận được xem là giải pháp chính để huy động nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trong Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1. Tuy nhiên, với các quy định pháp luật mới được ban hành, giải pháp này hiện không còn phù hợp với các căn cứ pháp lý hiện tại.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Trần Trọng Toàn cho biết, ngày 24-4-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10-6-2024) quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thay thế Nghị định số 33. Trong đó đã bãi bỏ quy định về xây dựng đề án khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng.

Cùng với đó, đối chiếu với quy định về Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại theo Luật Đất đai năm 2024; quy định về vấn đề tạo vốn để phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ theo Luật Đường bộ đã được Quốc hội thông qua ngày 27-6-2024 và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2025 cho thấy, việc xây dựng đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận dự án giao thông để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không còn phù hợp với các căn cứ pháp lý hiện tại và sau này.

Trước vướng mắc này, tại buổi làm việc của UBND tỉnh với các đơn vị liên quan để nghe báo cáo tiến độ thực hiện di dời các nhà máy, xí nghiệp theo Đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 vào giữa tháng 10 vừa qua, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên đã kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và môi trường rà soát các quy định của Luật Đất đai năm 2024 để tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất trong trường hợp đề án khai thác quỹ đất không còn cơ sở pháp lý để thực hiện.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/ra-soat-de-an-khai-thac-quy-dat-khu-do-thi-thuong-mai-dich-vu-bien-hoa-1-a6404ec/