Rà soát người liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức từ ngày 19-9

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu rà soát các trường hợp đã đến, ở, về từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức từ ngày 19-9, bao gồm người làm việc, học tập, cung cấp dịch vụ, khám, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh...

Hà Nội thực hiện lập danh sách, rà soát người đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức từ ngày 19-9. Ảnh minh họa

Từ ngày 30-9 đến nay, liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (cơ sở số 40 Tràng Thi, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có 25 ca dương tính. Sở Y tế Hà Nội có Công văn hỏa tốc số 529/SYT-NVY ngày 1-10-2021 gửi các bệnh viện trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn Hà Nội; các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập; 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về việc rà soát người liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo đó, để bảo đảm công tác an toàn phòng, chống dịch, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn cấp thực hiện rà soát các trường hợp đã đến, ở, về từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức từ ngày 19-9-2021, bao gồm làm việc, học tập, cung cấp dịch vụ, khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh...

Các đơn vị lập danh sách những người có liên quan và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Cách ly tạm thời, khai thác dịch tễ, lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán để phát hiện ca bệnh kịp thời.

Các đơn vị áp dụng nghiêm các biện pháp để bảo đảm an toàn bệnh viện. Ban Chỉ đạo chống dịch cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương rà soát, đánh giá công tác an toàn bệnh viện, an toàn phòng khám theo quy định của Bộ Y tế. Nhân viên y tế trong quá trình làm việc cũng như trong sinh hoạt tại cộng đồng luôn ý thức "Bệnh viện là thành trì cuối cùng" trong phòng, chống dịch Covid-19, từ đó nâng cao tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân...

Các cơ sở khám, chữa bệnh áp dụng nguyên tắc "5K" đối với tất cả nhân viên y tế, người lao động của đơn vị dịch vụ thuê ngoài, người bệnh và người nhà người bệnh; tổ chức các khu vực, ca làm việc hợp lý, hoạt động độc lập, giảm thiểu nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với nhau trong ca làm việc và giữa các ca với nhau; hạn chế tối đa việc di chuyển của nhân viên y tế giữa các khoa, phòng; áp dụng hình thức họp, giao ban trực tuyến, làm việc trực tuyến phù hợp với khối hành chính.

Đồng thời, các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc xét nghiệm sàng lọc, đánh giá nguy cơ đối với cán bộ, nhân viên y tế, người lao động, bệnh nhân, người chăm sóc... theo hướng dẫn của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Trường hợp người bệnh cần cấp cứu, phẫu thuật khi chưa có kết quả xét nghiệm sàng lọc thì áp dụng như với đối tượng người nghi nhiễm SARS-CoV-2 cho tới khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1013582/ra-soat-nguoi-lien-quan-den-benh-vien-huu-nghi-viet---duc-tu-ngay-19-9