Rạn nứt bên trong mối quan hệ được mô tả 'không thể phá vỡ' Nga – Trung
Quan hệ 'không thể phá vỡ' giữa Nga và Trung Quốc là xu hướng lâu dài hay chỉ là một giải pháp tình thế khi hai nước còn 'cùng hội cùng thuyền'?
Nga – Trung cùng hội cùng thuyền
Nga và Trung Quốc không ngừng ca ngợi "tình hữu nghị không thể phá vỡ" trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Joe Biden.
Mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh ở mức "cao chưa từng có", Tổng thống Putin nhận định với NBC trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 14/6 với NBC, đồng thời nhấn mạnh rằng ông không coi Trung Quốc là mối đe dọa.
"Trung Quốc là một quốc gia thân thiện. Nước này không gọi chúng tôi là kẻ thù như Mỹ đã gọi", nhà lãnh đạo Nga cho hay.
Ngày 15/6, Bắc Kinh đã đáp lại nhận định của ông Putin bằng cách khẳng định rằng "không có giới hạn" cho sự hợp tác song phương giữa hai nước.
"Nga và Trung Quốc đoàn kết với nhau như núi và tình hữu nghị của chúng tôi không thể bị phá vỡ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho hay.
Trong những năm gần đây, Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau giữa bối cảnh quan hệ giữa 2 nước và phương Tây đều lao dốc. Với Nga, sự xoay trục sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một xu hướng tự nhiên trước các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên nước này sau sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014. Trung Quốc cũng hoan nghênh việc thắt chặt mối quan hệ trên khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang trên gần như mọi lĩnh vực.
Kinh tế là trung tâm của quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung. Thương mại song phương của hai nước đã vượt 100 tỷ USD năm 2018 và có mục tiêu gấp đôi con số này vào năm 2024. Hai quốc gia này cũng tăng cường hợp tác ở lĩnh vực công nghệ với thỏa thuận 400 tỷ USD vận chuyển khí tự nhiên từ Nga và nhiều dự án nhà máy hạt nhân chung ở Trung Quốc.
Moscow cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Bắc Kinh khi chiếm khoảng 70% vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2014 - 2018.
Trên lĩnh vực ngoại giao, Nga và Trung Quốc thường đứng về phía nhau tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm chống lại Mỹ và các đồng minh của Washington trong các vấn đề như Syria hay bác bỏ những cáo buộc của phương Tây liên quan đến vấn đề nhân quyền.
Nhu cầu liên kết giữa hai nước càng trở nên cấp bách hơn kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức với cam kết khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế. Dưới thời ông Biden, Washington nhiều lần nhấn mạnh Nga và Trung Quốc là "những mối đe dọa lớn nhất với trật tự thế giới dựa trên các quy tắc", đồng thời tập hợp sức mạnh từ các liên minh.
Trong những ngày qua, các cuộc thảo luận về việc đối phó với Nga và Trung Quốc trở thành chủ đề nổi bật của cả Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Anh và Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ.
Đáp lại, Moscow và Bắc Kinh đã thể hiện sự đoàn kết trước các chỉ trích và những nỗ lực mà 2 nước này cho là "nhằm hủy hoại quan hệ Nga - Trung".
"Chúng tôi muốn khẳng định với những bên đang cố gắng sử dụng mọi biện pháp để chia rẽ Nga và Trung Quốc rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm hủy hoại quan hệ Nga - Trung đều sẽ thất bại", ông Triệu Lập Kiên - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Rạn nứt trong mối quan hệ “không thể phá vỡ”
Tuy nhiên, bất chấp sự đoàn kết bề ngoài, quan hệ Nga - Trung cũng tiềm ẩn không ít rạn nứt và bất đồng.
Quan hệ thương mại giữa hai nước đang mất cân bằng sâu sắc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khi ở chiều ngược lại, vai trò của Nga với Trung Quốc gần như không đáng kể. Phần lớn hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đều là các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa thô trong khi Nga phải nhập khẩu các loại hàng hóa đã qua chế biến từ bên ngoài.
Những mối lo ngại về địa chính trị cũng không thể bỏ qua trong mối quan hệ này. Qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở Trung Á - một khu vực từ lâu chịu ảnh hưởng từ Nga.
Ngoài mối quan hệ chính thức, công chúng Nga ngày càng thận trọng trước các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Siberia và vùng Viễn Đông Nga, nơi mà các dự án của Bắc Kinh vấp phải sự phản đối gay gắt từ người dân địa phương.
Các nhà quan sát từ lâu coi mối quan hệ đối tác ngày càng thân thiết giữa Nga và Trung Quốc xuất phát từ những lợi ích địa chính trị và kinh tế sau khi hai nước khép lại những bất đồng trong quá khứ. Trước đó, vào cuối những năm 1950, quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh trở nên căng thẳng, cũng như bị chi phối bởi sự thiếu tin tưởng, những khác biệt về hệ tư tưởng và xung đột biên giới.
Hiện nay, thiếu vắng những giá trị chung cơ bản, hệ tư tưởng chung và một liên minh chính thức, liệu quan hệ "không thể phá vỡ" giữa Nga và Trung Quốc sẽ kéo dài bao lâu hay chỉ là một giải pháp tình thế khi hai nước còn "cùng hội cùng thuyền"?./.