Rời sông về núi

Những cơn mưa trắng xóa kéo dài hàng giờ đồng hồ làm lung lay vạt rừng nằm cheo leo ở dốc núi. Mưa từ sáng tới trưa, từ trưa tới xế chiều, đến khi chiếc xe chở mười hai hành khách, trong đó có Mỹ, dừng lại ở bến xe thị trấn.

Gọi là bến xe chứ thực chất chỉ là một bãi đất trống đổ đá dăm. Mỹ bước xuống xe và nhìn qua cánh rừng phía bên kia đồi đang chìm trong màn mưa bụi tù mù. Cô uể oải bước. Khách đi cùng đã về tứ phía. Chỉ còn mỗi mình Mỹ đang lê từng bước nặng trịch ra khỏi bãi đất trống.

 Minh họa: HIỀN NHÂN.

Minh họa: HIỀN NHÂN.

Mưa dứt. Bầu trời có vẻ quang đãng, sáng sủa hơn. Mỹ nhìn thấy những tia nắng cuối cùng trong ngày ngoi lên từ chân núi. Thị trấn xa đường quốc lộ, xa thành phố. Đường đến thị trấn nhỏ chủ yếu là đường đèo uốn lượn nhấp nhô. Đèo vắng, mỗi ngày chỉ có hai chuyến xe lên và hai chuyến xe xuống. Lần đầu nghĩ đến chuyện lên đây, Mỹ thấy sờ sợ, nhỡ không tìm được chỗ lưu trú thì cô biết phải làm sao. Nhưng rồi cô vẫn đi, đôi chân bé nhỏ ấy đã từng lang bạt đến nhiều miền đất khác nhau còn chưa một lần thấy mỏi, huống chi lần này cô lên thị trấn vì một mục đích, một giấc mơ mà cô ấp ủ tự thuở nào.

*

Làng nằm dưới chân núi. Trước đây, xung quanh làng được bao bọc bởi những cánh rừng xanh mướt, lớp ngoài là cây con, lớp trong là rừng già, cây đại thụ... Bây giờ rừng trống trải rất nhiều. Đường vào làng dốc quanh co. Mỹ men theo con đường lát đá vào sâu bên trong. Đàn gà mái sau trận mưa tơi bời hoa lá đã ùa ra ngoài đường bới móc, kiếm ăn. Cô khéo léo bước. Mùi núi đá, mùi lá thông, mùi của mưa dầm thấm đất vẩn lên trong không gian. Xa xa, cô trông thấy những ngôi nhà gỗ ẩm ướt, mái nhà rung rinh trong chiều trời nổi gió.

Có đôi lần Mỹ nghĩ rằng mọi cuộc kiếm tìm cũng chỉ là vô vọng. Ngoại trừ câu chuyện, ngay cả khuôn mặt của người đàn bà muốn tìm Mỹ còn chẳng nhớ rõ. Trước lúc mất, ngoại cầm tay Mỹ thều thào: “Mai này, con phải đi tìm cho được mẹ con...”. Cô gật đầu lia lịa. Mỹ phải tìm cho được người mẹ đã bỏ Mỹ, bỏ xóm nhỏ mà đi từ khi Mỹ còn là cô bé cầm chong chóng lá dừa lon ton chạy ngoài sân. Ngoại đi... Một cuộc ra đi âm thầm, lặng lẽ, nhẹ tênh.

Nhưng ngoại không nhắm mắt. Ai vuốt ngoại cũng không nhắm. Chỉ mỗi Mỹ! Hàng xóm xót xa nói: “Chắc bà Út còn vướng bận chuyện xưa...”. “Chuyện xưa là chuyện gì?”, Mỹ ấm ức hỏi trong tiếng nấc. Hàng xóm nhìn nhau, nháy mắt ra hiệu. Gì thì cũng phải để ngoại yên lành về với đất... Từ đấy, cô im lặng không nói thêm một lời nào.

Làng ven núi, nhà cửa lúp xúp, trên núi là những dãy rừng xanh rì. Hoàng hôn buông, đại ngàn bảng lảng sương. Cô ghé vào một ngôi nhà gỗ có bếp hun ở trước cửa nhà xua muỗi. Khói theo gió tạt vào mắt Mỹ cay xè. Từ trong nhà, một người đàn bà vừa ho vừa bước ra, nheo nheo cặp mắt nhìn Mỹ: “Cô tìm ai?”.

Mỹ gật đầu thay lời chào: “Cháu bị lỡ đường, không tìm được chỗ ở. Nếu không phiền, cô cho cháu ở nhờ một đêm, sáng mai cháu sẽ đi sớm!”.

Không nghĩ ngợi, người đàn bà gật đầu: “Được chứ, có phiền hà gì đâu, tôi cũng ở một mình thôi!”. Mỹ theo người đàn bà bước vào trong nhà. Căn nhà gỗ nhỏ, gọn gàng và ấm áp. Trong nhà, người đàn bà đon đả pha trà, rót ra chiếc tách nhỏ đưa cho Mỹ rồi chạy ra sau bếp nấu cơm, luộc thêm mớ rau rừng. Cô nhìn xung quanh, thấy trong nhà trống trải, chắc cuộc sống của người đàn bà cũng không suôn sẻ.

Đêm rừng hiu hắt. Các nhà trong xóm núi đã tắt đèn cả rồi. Chỉ còn mỗi căn nhà của người đàn bà mà Mỹ trọ lại còn một ngọn đèn con leo lét sáng. Mỹ ngồi nhìn xóm đêm qua song cửa khép hờ, còn người đàn bà chăm chú nhìn vào khung thêu, những mũi kim liên tục xê dịch lên xuống rồi từ trên tấm vải trắng, một bông hồng đỏ thắm hiện dần ra.

- Dì làm nghề thêu gối hả? - Mỹ bất chợt hỏi.

Người đàn bà đáp lại, mắt vẫn không rời khung thêu:

- Không, cô ơi! Làm nghề thêu mà ở cái thị trấn này thì mỗi năm bán được bao nhiêu cặp vỏ gối? Có mà ế chết! Tôi thêu chơi thôi!

- Dì thêu đẹp quá! Nếu bán chắc đắt lắm đấy! Ai mà chẳng có chồng, mà cô dâu nào chẳng cần áo gối mang về nhà chồng, dì nhỉ.

Câu nói của Mỹ khiến người đàn bà sực nhớ ra một điều gì đó và dừng mũi kim lại. Tay rê rê trên bông hồng đỏ đang thêu dang dở. Người đàn bà nhỏ nhẹ phản bác, giọng buồn buồn:

- Không đâu, cô! Đâu phải người đàn bà nào cũng có một tấm chồng đâu?! Như tôi này, tôi làm gì có chồng chứ?

Rồi người đàn bà thêu tiếp. Ở người đàn bà xa lạ ấy có cái gì khiến Mỹ tò mò. Cô dịch lại ngồi cạnh bà, dõi theo từng đường nét trên tấm vải trắng có bông hồng đỏ rực. Bông hồng dang dở. Biết Mỹ đang tò mò, người đàn bà cũng không giấu. Trong câu chuyện được kể lúc đêm khuya, khi mưa rừng rả rích rơi xuống ngôi làng nhỏ hoang vắng, là những chuỗi ngày buồn bã, đau khổ của một người đàn bà bất hạnh vốn được sinh ra và lớn lên ở cái xóm nhỏ vùng sông nước êm đềm. Mười chín, đôi mươi, cô gái nổi tiếng xinh đẹp và hiền lành. Bên dòng sông nhỏ, cô đã sống những tháng ngày yên bình cho đến khi ướm lên mình chiếc áo cưới màu hoa cà...

- Vậy thì dì cũng có chồng như bao người rồi, chứ đã đơn độc một đời đâu?

Mỹ thắc mắc. Người đàn bà dừng tay, đặt khung thêu hờ hững lên song cửa rồi nhìn xa xôi, nhìn về quá khứ.

- Chưa đâu, đời tôi... còn dài lắm!

Những tháng ngày sống bên chồng, người phụ nữ đã nếm trải đủ mùi vị của cuộc đời. Tháng ba, bên bờ sông hoa nở rực rỡ, cũng là lúc bà hạ sinh đứa con đầu lòng sau hơn hai năm nghe những lời ra tiếng vào về loài “cây độc không trái...”. Sinh con, người phụ nữ vui ít, buồn nhiều, vì đứa con ra đời trong sự cay nghiệt của dòng họ bên nội vẫn còn nặng nề tư tưởng phong kiến cần một đứa cháu trai để nối nghiệp... Người phụ nữ gặm nhấm những cay đắng tủi hờn để nuôi con khôn lớn từng ngày...

Cầm ngọn đèn đi đến chiếc tủ gỗ cũ kỹ, mở cửa tủ, bà lấy ra và đưa Mỹ xem tấm ảnh ngày xưa bà chụp bên bờ con sông nhỏ chảy ngang xóm. Mỹ nhớ hồi còn sống, bà ngoại Mỹ thường hay nói: “Đàn bà càng đẹp thì càng khổ, càng sắc sảo thì càng long đong...”. Ngoại dặn Mỹ đừng chải chuốt quá đà, đừng giỏi giang quá mức, mọi thứ vừa đủ thôi, quan trọng là hãy học cách an phận. Mỹ cười, thời nào rồi mà ngoại còn tin điều đó. Thời nay, đàn bà càng giỏi giang, mạnh mẽ và độc lập thì cuộc sống càng được bảo đảm chứ. Nhưng Mỹ không tranh biện, sợ ngoại buồn. Ngoại cũng là một người mang nặng tư tưởng phong kiến cổ hủ...

Chính vì tư tưởng này mà ngày ấy, ngoại mới xua đuổi mẹ Mỹ - cô con gái mà ngoại dứt ruột đẻ ra và thương yêu hết lòng.

- Trời ơi! Tại sao người mẹ lại nỡ lòng xua đuổi đứa con mình, hả cô? - Người phụ nữ thốt lên, câu chuyện của bà đan lồng vào câu chuyện của mẹ Mỹ thời con gái.

Mỹ không định kể cho ai nghe, vì chuyện đã qua lâu lắm rồi! Câu chuyện về mẹ - một mình Mỹ biết, một mình ngoại hay. Nhưng tiếc gì một câu chuyện khi chính người phụ nữ kia đã trải lòng về cuộc đời của bà. Hai câu chuyện cứ xoắn xuýt lấy nhau.

- Vì người ta mắng ngoại đã sinh ra một đứa con gái lăng loàn, có chồng có con mà vẫn mèo mả gà đồng với người đàn ông khác...

Mỹ nói trong nức nở, nghẹn ngào. Đó là lần đầu tiên Mỹ nhìn thẳng vào câu chuyện của mẹ vì Mỹ không muốn những suy nghĩ của mình làm hoen hố hình bóng người mẹ kính yêu.

- Trời ơi! - Người đàn bà thốt lên. Không biết vì đồng cảm xót xa hay vì người đàn bà âm thầm nhận ra mình trong hình bóng người sinh ra Mỹ.

Bà ngoại kể lại, tất nhiên là sau khi mẹ của Mỹ đã bỏ nhà ra đi: Một ngày, mùa mưa, nước sông dâng lên mấp mé mặt đất. Gia đình thông gia ôm nỗi giận qua nhà, mắng ngoại sinh con nhưng không biết dạy con, để đứa con gái có chồng mà vẫn léng phéng, nhân tình nhân ngãi. Ngoại sững sờ, bàng hoàng. Ngoại đâu có ngờ con gái của ngoại lại hư đốn đến thế! Nhà họ trả mẹ về cho ngoại, trả cả Mỹ - đứa cháu gái này họ chẳng thiết tha. Mẹ khóc! Mỹ không nhớ rõ mẹ khóc như thế nào, khuôn mặt mẹ ra sao, nhưng loáng thoáng nhớ mẹ khóc lắm! Hôm ấy, cả xóm Dừa Nước xôn xao.

“Mày đi đi, cho khuất mắt tao. Mày không có tư cách để nuôi con. Để nó lại cho tao... Đi đi, thứ con gái hư đốn!”. Ngoại mắng. Mẹ biết ngoại đau lắm khi buông ra mấy lời như thế, nhưng cơn giận đã khiến ngoại quên đi mẫu tử thâm tình...

*

Chuyện mẹ Mỹ bị người nhà chồng ức hiếp là thật! Và mẹ dan díu với nhân tình... cũng là thật!

Sau này, ngoại lờ mờ đoán, chắc mẹ không thể quên được tình xưa - một chàng trai thuở mẹ còn son trẻ đã đem lòng yêu mẹ thiết tha, nhưng vì nghèo nên ngoại đã đành lòng ngăn cấm. Ngoại ân hận lắm! Nhưng ân hận nhất có lẽ là việc đuổi mẹ ra đi, để đến bây giờ không tìm gặp lại đứa con gái bất hạnh của mình. Và rồi ngoại đi không nhắm mắt!

Mỹ úp mặt vào vai người đàn bà mà khóc rưng rức, như thể đó là người thân của Mỹ. Cô cũng quên đi câu chuyện của người đàn bà rồi trót kể câu chuyện về mẹ mà bấy lâu Mỹ đã âm thầm che giấu. Người phụ nữ cũng thế! Vì thật ra, hai câu chuyện ấy chỉ là một mà thôi!

Người phụ nữ mếu máo:

- Vậy chứ, nếu con gặp lại mẹ con, con có giận bà ta vì đã bỏ con đi chừng ấy năm mà không trở lại, vì năm xưa đã dan díu với nhân tình để đời con phải chịu cảnh côi cút hay không?

Sự thay đổi trong cách xưng hô của người phụ nữ khiến Mỹ ngạc nhiên, nhưng rồi Mỹ cũng chân thành đáp lại:

- Giận thì có giận, dì ạ! Vì mẹ đã bỏ con đi. Giả sử có bất kỳ chuyện gì xảy ra thì nhất định người đàn bà không được bỏ mặc con mình. Nhưng thương thì vẫn thương, thương rất nhiều, dì ơi! Mẹ hay về trong giấc mơ của con lắm! Con nói mẹ đừng đi mà mẹ đi luôn...

Người phụ nữ xoay mặt vào trong vách, lúc này tiếng khóc của bà to hơn, chất chồng bao nỗi đắng cay. Mỹ lo lắng: - Ôi, có phải vì câu chuyện của con buồn quá không ạ? Con...

- Không đâu, con ơi... dì...

Người đàn bà ngập ngừng như một quả bóng sắp sửa vỡ ra, như đang chuẩn bị nói một điều gì trọng đại lắm. Và rồi, bà lấy hết can đảm để nói rành rọt từng chữ một vào tai Mỹ:

- Dì chính là người đàn bà năm xưa... đã bỏ con đi! Dì chính là người đã bỏ sông về núi trong mùa mưa năm ấy...

Mỹ chết lặng.

Có những cuộc hạnh ngộ bất ngờ đến độ người ta không thể lường trước được. Mọi thứ, có lẽ nằm ở duyên trời...

Mỹ choàng ôm người đàn bà, khóc nức nở, khóc cho trôi hết những tủi hờn, cả những khổ đau đã qua! Khóc cho số kiếp của mẹ mình. Mẹ thật tội nghiệp! - Mỹ nghĩ vậy. Mẹ đã sống trong sự bao dung của xóm núi và rừng già. Nếu Mỹ không can đảm mà đi về phía núi, có lẽ, Mỹ chẳng bao giờ gặp được mẹ để nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, con thương mẹ lắm! Ngoại cũng thương mẹ!”...

*

“Mẹ không giận ai cả, con gái ơi!” - Mẹ nghĩ vậy, nhưng không nói.

Ánh đèn sắp tàn. Trong nhà tối hơn lúc nãy. Bên ánh đèn sắp tàn ấy, hai mẹ con tựa vào nhau, kể hết mọi chuyện đã qua cho nhau nghe, tìm lại những xúc cảm đã lạc loài sau nhiều năm xa cách.

Ngoài trời mưa lắc rắc. Tiếng rừng rủ rỉ rù rì. Êm và sâu... - Mẹ ơi! Mình về xóm cũ đi mẹ! Về thắp hương cho ngoại. Về để nói với ngoại là mẹ không giận ngoại, để ngoại được yên lòng nơi chín suối...

Mẹ gật đầu. Tóc mẹ xõa xuống. Mỹ đưa mắt nhìn, thoáng thấy trên tóc mẹ đã điểm nhiều sợi bạc...

Truyện ngắn của Hoàng Khánh Duy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/413264/roi-song-ve-nui.html