Rộn ràng sân khấu kịch cho thiếu nhi
Thời điểm này, các nhà hát đã có những chương trình nghệ thuật, vở diễn để đáp ứng nhu cầu vui hè ý nghĩa và bổ ích của thiếu nhi. Bằng những chương trình được dàn dựng công phu, chú trọng đến nội dung, hình thức, đặc biệt là cách tạo điểm nhấn, các nhà hát đã 'giữ chân' được khán giả.
“Bữa tiệc” nhiều màu sắc
Tối thứ Bảy hằng tuần, Nhà hát Múa rối Việt Nam giới thiệu đến các em nhỏ vở múa rối “Thế giới thần tiên” kết hợp giữa nghệ thuật múa rối cạn, rối nước vào cốt chuyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Với những màn trình diễn múa rối nước kết hợp múa rối cạn sinh động, kết hợp với những giai điệu vui tươi và sân khấu hoành tráng, chương trình “Thế giới thần tiên” đã đem đến cho các bạn nhỏ những nụ cười sảng khoái và những giây phút vui vẻ, đáng nhớ bên gia đình.
NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát cho biết, từ cuối năm ngoái Nhà hát đã lên kế hoạch tổ chức, dàn dựng chương trình cho dịp hè này. Đến nay, chương trình đã biểu diễn được gần 200 buổi. Sân khấu Nhà hát có sức chứa 300 người luôn chật kín. Ngoài ra, Nhà hát còn tổ chức biểu diễn chương trình “Vườn cổ tích” ở sân khấu ngoài trời cũng đã thu hút sự quan tâm của các em nhỏ.
Cũng tưng bừng, nhộn nhịp không kém, sân khấu tròn của Rạp xiếc Trung ương (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) ngập tràn những khung cảnh thần tiên trong truyện cổ tích Việt Nam với phiên bản kịch xiếc thiếu nhi “Tấm Cám 2023” “Bống Bống-Bang Bang”.
Với 3 phân cảnh độc đáo, hoành tráng, kịch tính và hấp dẫn, kịch xiếc đã làm mãn nhãn những khán giả nhỏ tuổi với khung cảnh thần tiên, ánh sáng rực rỡ sắc màu kết hợp cùng các loại xiếc thú ngộ nghĩnh và ảo thuật, vũ đạo bay lượn trên không của các nghệ sĩ xiếc được hình tượng hóa vào các nhân vật tạo nên cao trào của vở diễn. NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam vui mừng cho biết, từ ngày 27/5 đến ngày 11/6, Rạp đã biểu diễn được 28 buổi và mỗi biểu diễn 1.200 ghế ngồi luôn chật kín.
“Nếu như dịp 1/6 năm ngoái, chúng tôi diễn vở “Chúa tể rừng xanh” chủ yếu phục vụ khán giả là học sinh cấp 1 thì năm nay chúng tôi làm vở này để phục vụ cả trẻ em và người lớn. Trong ngày tiếp theo, chúng tôi sẽ diễn vào chiều thứ Bảy và sáng Chủ Nhật hằng tuần và khi học sinh vào năm học mới chúng tôi sẽ đưa vở diễn này theo tour vào các trường học”, NSND Tống Toàn Thắng thông tin.
Một trong những nhà hát luôn có những “bữa tiệc” nghệ thuật độc đáo, thú vị để thu hút khán giả nhí trong dịp hè là Nhà hát Tuổi trẻ. Năm nay, mở màn cho các chương trình chào hè, Nhà hát đã ra mắt hai vở diễn: “Giấc mơ của Bờm” (tác giả Thiên Ân, đạo diễn NSƯT Ánh Tuyết) và “Chú mèo dạy hải âu bay” (tác giả Nguyễn Công Đức chuyển soạn từ tiểu thuyết “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của nhà văn Chile Luis Sepulveda, đạo diễn Đào Duy Anh) trong khuôn khổ dự án “Mùa hè yêu thương 2023”.
Theo NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát, vở kịch “Giấc mơ của Bờm” đã tận dụng trò chơi dân gian, qua đó đưa âm nhạc vào để tạo ra không khí tưng bừng, rộn rã. Còn vở kịch “Chú mèo dạy hải âu bay” mang đến cho trẻ em bài học: Con người sống với nhau phải có sự yêu thương, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong mọi hoàn cảnh. Hơn 2 tuần diễn ra “Mùa hè yêu thương”, 2 vở này đã có gần 30 suất diễn. Trong tháng 6 này, 2 vở diễn tiếp tục đến với khán giả vào tối thứ Bảy hằng tuần.
Tạo điểm nhấn thu hút khán giả
Lý giải về sức hút trong các chương trình của Nhà hát Múa rối Việt Nam dịp hè này, Giám đốc Nhà hát Nguyễn Tiến Dũng, cho rằng từng chi tiết nhỏ nhất trong chương trình đều được các nghệ sĩ hết sức chú tâm. Nhà hát đã gây được thương hiệu với các khán giả nhỏ tuổi nhưng để giữ chân khán giả, bản thân mỗi nghệ sĩ, diễn viên phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo làm mới mình.
“Chúng ta đừng nghĩ sân khấu thiếu nhi thì muốn làm thế nào thì làm. Các em nhỏ giờ đây tinh ý, thông minh, nhanh nhẹn, có tư duy từ rất sớm nên các nghệ sĩ phải nghiêm túc và phải có những chương trình mang tính thẩm mỹ cao. Nhà hát cũng chú trọng xây dựng các chương trình phù hợp với lứa tuổi, như: Mầm non, cấp 1, cấp 2…
Bên cạnh đó, Nhà hát rất quan tâm việc mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến sự hài lòng cho “thượng đế”, NSND Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Còn theo NSND Tống Toàn Thắng, điều làm nên sức hút của vở kịch xiếc “Tấm Cám 2023”, “Bống Bống-Bang Bang” là đã xây dựng tích truyện dân gian đưa vào nghệ thuật xiếc, kể chuyện “Tấm Cám” bằng nghệ thuật xiếc, trong đó có nhiều yếu tố gây được sự chú ý với các em nhỏ như việc sử dụng các câu ráp, bài hit.
Vở diễn không chỉ là chương trình xiếc thông thường mà các yếu tố trong nghệ thuật, kỹ thuật sân khấu đã được đầu tư và nâng cao theo vai của từng nghệ sĩ. Có thể nói, đây chương trình chủ lực của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong năm nay, với mong muốn xiếc đến gần hơn với các em nhỏ.
Lần đầu tiên thử sức, tác giả trẻ Nguyễn Công Đức (sinh năm 2000), người chuyển soạn vở kịch “Chú mèo dạy hải âu bay” cho biết: “Trong thời gian chuyển soạn, khó khăn nhất với tôi là ngôn ngữ của trẻ em bây giờ khác xa với ngày xưa. Vì chưa lập gia đình nên tôi phải sống, ăn ngủ với một người em họ 8 tuổi để nghe ngôn ngữ của trẻ, đặc biệt nắm bắt tâm lý xem trẻ muốn gì, cần gì, suy nghĩ thế nào.
Dĩ nhiên, khi chuyển soạn tôi vẫn giữ nguyên những tư tưởng, triết lý của nhà văn Luis Sepulveda nhưng đã chèn thêm những câu trend (xu hướng) mang hơi thở của người dân Việt Nam đương đại để trẻ em hoặc người lớn đi xem có thể cảm nhận được một cách gần gũi nhất. May mắn cho tôi nói riêng và Đoàn kịch Nhà hát Tuổi trẻ nói chung là đến nay vở “Chú mèo dạy hải âu bay” đã diễn tới suất thứ 11 và hầu như luôn đỏ đèn, cháy vé”.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/ron-rang-san-khau-kich-cho-thieu-nhi-i696607/