Rộn ràng tiếng trống - lân - sư - rồng đón Tết

Trong không khí rộn ràng của những ngày giáp Tết, các đoàn lân - sư - rồng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang tất bật chuẩn bị nhiều tiết mục để phục vụ đời sống tinh thần cho bà con. Trong số đó, có các thành viên trong Đoàn Nghệ thuật lân - sư - rồng Phú Quý Đường hàng đêm đang ráo riết khổ luyện để mang đến những tiết mục nghệ thuật hấp dẫn, sinh động trong dịp Tết cổ truyền sắp tới.

Trong con hẻm nhỏ trên đường Đoàn Thị Điểm, thuộc phường 3, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), hàng đêm, tiếng trống hội, chập chõa của Đoàn Nghệ thuật lân - sư - rồng Phú Quý Đường cứ vang lên. Đoàn đang ráo riết khổ luyện tập dợt những động tác múa lân uyển chuyển, lân leo cây, trống hội để phục vụ bà con trong những ngày tết Quý Mão 2023 sắp tới.

Đoàn Nghệ thuật lân - sư - rồng Phú Quý Đường biểu diễn lân tứ quý. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đoàn Nghệ thuật lân - sư - rồng Phú Quý Đường biểu diễn lân tứ quý. Ảnh: THẠCH PÍCH

Trao đổi với chúng tôi, anh Triệu Văn Khuôn - Trưởng Đoàn Nghệ thuật lân - sư - rồng Phú Quý Đường cho biết: “Chuẩn bị phục vụ Tết năm nay, chúng tôi đã tập hợp được gần 30 thành viên trong đoàn tập luyện đến thời điểm này được khoảng 3 tháng. Hàng đêm, cứ từ 17 - 20 giờ, các thành viên duy trì những bài tập từ lân múa đơn giản dưới đất đến lân leo cây cao gần 7m. Bởi nếu bỏ một thời gian, những động tác múa, nhảy, leo cây sẽ khó thực hiện thành thạo. Các thành viên trong đoàn đều biết chơi “đa hệ” từ đánh trống, múa ông địa cho đến múa lân - sư - rồng. Đặc biệt, tiết mục múa rồng, các em còn biểu diễn rồng sắp hình ngôi sao, chiếc thuyền. Đến thời điểm này, các em đã thực hiện rất thành thạo, nhuần nhuyễn, tự tin múa đúng theo yêu cầu”.

Nhìn những điệu nhảy của các con lân rất dũng mãnh, đối diện các chướng ngại vật, với người bình thường thì việc di chuyển là cả một vấn đề, nói chi đến các vũ viên phải khoác chiếc áo lân trên người. Người múa đầu lân không chỉ có thể bay nhảy nhẹ nhàng mà còn biết phối hợp nhịp nhàng các động tác tay điều khiển mắt, miệng, tai của con lân sao cho sinh động như vật thể sống, biểu thị được các cảm giác hung dữ, buồn vui... Người sau phải có sức mạnh để có thể giúp sức cho người múa đầu lân trong những pha bay nhảy.

Các đoàn nghệ thuật lân - sư - rồng trong tỉnh Sóc Trăng sẽ mang đến những tiết mục múa sôi động phục vụ cho bà con vui xuân, đón Tết. Ảnh: THẠCH PÍCH

Các đoàn nghệ thuật lân - sư - rồng trong tỉnh Sóc Trăng sẽ mang đến những tiết mục múa sôi động phục vụ cho bà con vui xuân, đón Tết. Ảnh: THẠCH PÍCH

Là một trong những vũ viên tham gia biểu diễn khoảng 10 năm nay, anh Trần Văn Bổ chia sẻ: “Những động tác, vũ điệu khó nhất là lân mai hoa thung và lân leo cây. Để tạo được hình dáng con lân cho người xem thật sinh động, người múa phải tập luyện tối đa, từ lân múa đơn giản dưới đất đến nâng cao. Đối với người biểu diễn, ngoài việc thể hiện các động tác dậm chân, run đầu gối tỏ ra tức tối, tiếng trống, tiếng chập chõa cũng phải ngắt quãng, lúc nhanh lúc chậm, thể hiện các cung bậc tình cảm hy vọng, thất vọng, rồi đến quyết tâm phải tìm mọi cách vượt qua bằng được. Năm nay, khi nhận được thông tin, đoàn được mời đi biểu diễn phục vụ Tết, không chỉ riêng tôi mà anh em trong đoàn ai cũng rất vui mừng”.

Anh Triệu Văn Khuôn cho biết thêm: “Năm nay, chúng tôi tiếp tục đầu tư trang thiết bị dụng cụ phục vụ Tết, như: mua mới 7 con lân, 1 con rồng, quần áo, trống hội… tổng số tiền trên 70 triệu đồng. Việc phục vụ xuân của đoàn bắt đầu từ đêm 29 Tết, sau đó đi diễn phục vụ tại các huyện Long Phú, Cù Lao Dung… và bắt đầu sáng mùng 1 Tết sẽ đi phục vụ rộng khắp đến các mùng trong tháng Giêng. Để làm nên một bài múa thành công, ngoài việc tạo sự rộn rã, vui tươi còn mang đến ý nghĩa phồn vinh, may mắn, an khang, thịnh vượng cho gia chủ”.

Xuân về, Tết đến, nếu chỉ có mai vàng, bánh tét, mứt kẹo mà không có tiếng trống múa lân, chập chõa thì sẽ thiếu đi cái không khí vui tươi, rộn ràng của ngày Tết. Thời nay, khi cuộc sống ngày càng phát triển nhưng múa lân - sư - rồng vẫn luôn được gìn giữ và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; đồng thời, đóng góp vào việc duy trì, bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc.

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/ron-rang-tieng-trong-lan-su-rong-don-tet-62821.html