Rốt ráo phòng dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò ở Hà Tĩnh
Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện tại một số địa phương của Hà Tĩnh. Ngành chuyên môn đang chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng vắc-xin nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người dân, hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò đe dọa đàn vật nuôi
Cách đây hơn 1 tuần, con bê của gia đình anh Phan Văn Minh (thôn Bắc Tiến, xã Thạch Ngọc, Thạch Hà) có dấu hiệu lở loét ở chân, nổi u, cục khắp thân mình, lười ăn… Gia chủ đã báo với chính quyền địa phương để lấy mẫu kiểm tra, cho kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Anh Phan Văn Minh cho biết: Chúng tôi cùng cán bộ thú y đang tích cực chăm sóc nên sức khỏe vật nuôi dần hồi phục, các vết viêm loét bớt sưng mủ. Đồng thời, tích cực vệ sinh chuồng trại, phun thuốc diệt ruồi, muỗi, ve, vét để hạn chế mầm bệnh lây lan ra xung quanh”.
Được biết, xã Thạch Ngọc đã tích cực tổ chức tiêm phòng bao vây, khống chế dịch cho gần 600 con trâu, bò tại các thôn; cấp hơn 350 kg vôi bột, gần 25 lít hóa chất hỗ trợ người dân xử lý môi trường chăn nuôi…
Ngoài xã Thạch Ngọc, các xã Thạch Xuân, Ngọc Sơn cũng đã có trâu, bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Ông Trần Hậu Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Thạch Hà cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức rà soát lại tình hình dịch bệnh và tổng đàn trâu, bò tại địa phương; cấp hóa chất vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; đẩy nhanh quá trình tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục. Đồng thời, tích cực hướng dẫn người dân chăm sóc trâu, bò bị bệnh; ký cam kết không chăn thả rông trâu, bò đã nhiễm bệnh…”.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 5 xã, phường có ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò gồm: các xã Ngọc Sơn, Thạch Xuân, Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà); phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh); phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh)…, với hơn 30 con bị nhiễm bệnh.
“Bao phủ” vắc-xin để ngăn dịch lây lan
Hiện nay, nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng là rất cao. Nguyên nhân là do thời tiết mưa ẩm kéo dài, làm giảm sức đề kháng đàn vật nuôi; các vết tích dịch bệnh cũ còn tồn tại trong môi trường chăn nuôi, chưa được xử lý triệt để cũng là nguyên nhân phát sinh và lây lan dịch bệnh. Cùng đó, vấn đề chăn nuôi hộ gia đình còn nhỏ lẻ dẫn đến khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học.
Trước nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, theo các nhà chuyên môn, tiêm phòng vắc-xin luôn được xem là giải pháp hữu hiệu hàng đầu nhằm bảo vệ đàn vật nuôi và hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan.
Tại TP Hà Tĩnh, sau khi xuất hiện ổ dịch ở phường Thạch Linh, địa phương đang tập trung đôn đốc thực hiện công tác tiêm phòng vắc-xin nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi. Đến nay, đối với bệnh viêm da nổi cục, phường Thạch Linh đã tiêm phòng cho 46/89 con, đạt tỷ lệ trên 63%.
Ông Trần Viết Phương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh cho biết: “Trung tâm đã yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê chính xác tổng đàn trâu, bò trên địa bàn quản lý để tiêm bổ sung khi vật nuôi đạt đủ điều kiện. Chỉ trong vòng 5 ngày, địa phương đã bao phủ được 70% vắc-xin phòng viêm da nổi cục trên trâu, bò. Chúng tôi đang phấn đấu đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng trung bình đạt trên 80%; đồng thời, bám nắm, chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh để có giải pháp xử lý kịp thời”.
Đối với huyện Thạch Hà, nhờ tập trung đôn đốc, huy động nhân lực, đến nay, địa phương đã tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục cho hơn 7.900 con trâu, bò (đạt tỷ lệ trên 60% tổng đàn).
Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn (Thạch Hà) Phan Trần Hưng thông tin: “Do thời điểm xuất hiện ổ dịch viêm da nổi cục trùng với đợt tiêm phòng đợt 1 năm 2023 nên xã đã nhanh chóng hoàn thành tổ chức tiêm bao vây, không chế ổ dịch. Đến nay, tỉ lệ tiêm phòng viêm da nổi cục cho trâu, bò đạt hơn 90%. Đối với 13 con bê của 13 hộ dân bị nhiễm bệnh, chúng tôi sẽ tiến hành tiêm bổ sung trong thời gian tới”.
Cùng với TP Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà, các địa phương còn lại cũng đang ráo riết thực hiện tiêm phòng vắc-xin, hoàn thành nhanh nhất kế hoạch đề ra. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ có hơn 188.000 con trâu, bò thuộc diện tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục trong đợt 1/2023.
Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, đôn đốc hộ dân chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tiêm phòng đủ số lượng, đúng liều lượng cho đàn vật nuôi; rà soát tổng đàn để tiêm phòng bổ sung theo quy định. Các hộ chăn nuôi cũng cần nêu cao tinh thần tự giác, chấp hành tiêm phòng đầy đủ theo quy định để bảo vệ tài sản của gia đình mình trước dịch bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ chủ động cung ứng đầy đủ, kịp thời các dụng cụ, vật tư, vắc xin, hóa chất theo đề xuất của các huyện, thành phố để phòng, chống dịch bệnh.
Đối với bệnh viêm da nổi cục, ngoài tiến hành tiêm phòng bao vây, khống chế dịch cần tăng cường công tác chăm sóc, hộ lý để phục hồi sức khỏe cho trâu, bò bị nhiễm bệnh; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt các véc-tơ trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi…