Rốt ráo thu hồi nợ thuế cuối năm

Để thu hồi nợ, ngành Thuế đã đề ra 11 nhóm giải pháp để thu hồi, trong đó có việc tạm hoãn xuất cảnh gần 18 nghìn trường hợp nợ thuế đang bị cưỡng chế nợ thuế.

Doanh nghiệp chây ỳ, nợ thuế tăng cao

Số liệu thống kê cho thấy trong 8 tháng đầu năm phát sinh gần 30,4 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế. Như vậy, tính đến thời điểm 31/8/2024, tổng nợ thuế toàn ngành quản lý tăng 21,1% so với thời điểm cuối năm 2023 và tăng 23,6% so với cùng kỳ thực hiện.

Nợ thuế tăng cao tạo gánh nặng cho ngân sách.

Nợ thuế tăng cao tạo gánh nặng cho ngân sách.

Tổng cục Thuế cho biết, trong 8 tháng đầu năm, toàn ngành thu được 53.771 tỷ đồng nợ thuế, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023 thực hiện, trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ được 50.458 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ được 3.313 tỷ đồng. Tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng dự toán thu năm 2024 tính đến 31/8/2024 ước đạt 14,3%, trong đó tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2024 là 10,4%. Có 19/63 địa phương có tỷ lệ tổng nợ trên dự toán thu ngân sách đảm bảo dưới 8%.

Theo Tổng cục Thuế, trong số các trường hợp nợ thuế, có 10.829 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền là 6.894 tỷ đồng. Toàn ngành đã thu được nợ thuế của 650 người nộp thuế đang bỏ địa chỉ kinh doanh, với số tiền thuế nợ là 46,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế - hải quan cho biết đã thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp nợ thuế đang bị cưỡng chế. Kết quả đã thu được 1.341 tỷ đồng của 2.116 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh.

Về nguyên nhân nợ thuế tăng, có nhiều lý do như phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày trên tổng số tiền nợ thuế. Bên cạnh đó có tình trạng một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế nhưng chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nên vẫn phải theo dõi nợ thuế, làm tổng số nợ thuế tăng lên. Ngoài ra, một số người nộp thuế cũng gặp phải khó khăn trong sản xuất - kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến chưa nộp kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Cùng với đó, liên quan đến các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, do có những vướng mắc trong quá trình triển khai khiến dự án chưa đi vào hoạt động, nhưng theo quy định, các khoản tiền thuế đất vẫn phải đưa vào tính nợ thuế... Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, các lý do khách quan chỉ chiếm một phần, còn lại vẫn chủ yếu là do chủ quan từ người nộp thuế, trong đó có việc doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chiếm dụng thuế để lấy vốn sản xuất kinh doanh diễn ra khá phổ biến. Điều này một phần đến từ việc các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn sản xuất - kinh doanh dẫn đến việc chây ỳ, khất nợ thuế để có vốn tiếp tục đầu tư…

Gắn trách nhiệm thu hồi nợ đến từng vị trí công tác

Trước thực tế này, Tổng cục Thuế đã có các văn bản yêu cầu và giao các Cục Thuế phải đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế trong năm 2024, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nợ và thu hồi nợ thuế vào ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024. Để đốc thúc công tác thu hồi nợ, mới đây, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai 11 nhóm biện pháp để thu hồi nợ thuế, điển hình như yêu cầu Cục Thuế các địa phương phân công, giao nhiệm vụ và gắn trách nhiệm thu hồi nợ thuế, xử lý nợ đọng thuế đến từng cán bộ, công chức quản lý; đồng thời, tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu thu nợ và hạn chế phát sinh thêm nợ mới.

Đối với công tác đôn đốc thu hồi nợ thuế, cơ quan thuế phải triển khai thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc và công khai thông tin theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ dưới 90 ngày, bộ phận thanh tra - kiểm tra chịu trách nhiệm kiểm soát dữ liệu và đôn đốc người nộp thuế nộp tiền, hạn chế các khoản nợ dây dưa, kéo dài.

“Thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều kênh thông tin cảnh báo nợ thuế, trong đó có thông báo qua ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile và cả nhắn tin tới người nộp thuế, do đó người nộp thuế nợ thuế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ thuế” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết.

Đối với công tác cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các địa phương tăng cường các biện pháp cưỡng chế và tạm hoãn xuất cảnh. Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước thì tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định. “Tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp thu nợ thuế, cũng không phải biện pháp thực sự mạnh nhất. Biện pháp cơ quan thuế đang áp dụng nhiều nhất là dừng sử dụng hóa đơn. Rất nhiều doanh nghiệp, hệ thống lớn khi bị dừng sử dụng hóa đơn thì có tác động ngay. Đây là những công cụ của nhà nước trang bị cho ngành thuế để bảo vệ lợi ích của ngân sách”, ông Minh thông tin.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/rot-rao-thu-hoi-no-thue-cuoi-nam-i746305/