Cấp chứng chỉ môi giới bất động sản còn nhiều lỗ hổng

Hiện chỉ có khoảng 40.000 môi giới được cấp chứng chỉ, trong khi số lượng môi giới đang hoạt động trên thị trường còn rất lớn. Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hiện còn nhiều bất cập.

Nhiều môi giới chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc có chứng chỉ hành nghề.

Nhiều môi giới chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc có chứng chỉ hành nghề.

Khóa học bài bản bị học viên “ngó lơ"

Nhằm đáp ứng các yêu cầu pháp luật mới về kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 01/8, quy định 100% môi giới phải có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, việc tổ chức đào tạo và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hiện còn nhiều bất cập về chất lượng đào tạo và công tác tổ chức thi, khiến quá trình này trở nên phức tạp và chưa thực sự hiệu quả.

Chính điều này đã khiến cho các hoạt động về đào tạo chứng chỉ, môi giới bất động sản diễn ra rầm rộ trong thời gian qua. Trên các website của nhiều đơn vị môi giới, tài khoản mạng xã hội, liên tục giới thiệu về các khóa học, khóa đào tạo thi chứng chỉ, cấp chứng chỉ.

Anh Đào Tiến (Hà Nội) cho biết, anh có 3 năm làm môi giới và có ý định sẽ đăng ký để đi học chứng chỉ môi giới bất động sản để có giấy chứng nhận hợp pháp, theo quy định chung.

Tuy nhiên, anh Đào Tiến cho biết, nếu không tìm hiểu thật kỹ thì rất dễ bị nhầm lẫn. Nhiều trường hợp đăng ký, đóng tiền xong, học xong được cấp "chứng chỉ tham gia lớp đào tạo về bất động sản", nhưng không phải chứng chỉ do cơ quan chức năng là sở xây dựng cấp.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), sự xuất hiện ồ ạt của các khóa học đào tạo trực tuyến khiến cho chất lượng đào tạo trở nên đa dạng, từ những khóa học chất lượng cao đến những khóa học chỉ mang tính hình thức.

Tại buổi học, rất nhiều học viên tham gia không nghiêm túc, làm việc riêng trong giờ, thậm chí không tham gia học. Giáo trình chưa bám sát yêu cầu thực tế của nghề nghiệp, hoặc nội dung giảng dạy chưa được cập nhật theo các quy định pháp luật mới nhất.

Nhiều khóa học không cập nhật những quy định pháp luật mới nhất, dẫn đến việc người học thiếu kiến thức thực tế để ứng dụng vào công việc.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, một số cơ sở đào tạo sử dụng giảng viên không có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực môi giới, dẫn đến chất lượng giảng dạy không đảm bảo. Việc kiểm tra, giám sát chất lượng các khóa học còn hạn chế, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo hoạt động không đúng quy định.

Tuy nhiên, các khóa học như kể trên lại rất “hút khách". Còn các khóa học được tổ chức bởi các đơn vị chuyên nghiệp, uy tín với nội dung giảng dạy chất lượng và sát với thực tế, lại kém thu hút, thậm chị bị học viên “ngó lơ" do yêu cầu khắt khe trong việc học và thi.

Quá trình tổ chức thi sát hạch còn nhiều bất cập

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 40.000 môi giới được cấp chứng chỉ, trong khi số lượng môi giới đang hoạt động trên thị trường còn rất lớn.

Nhiều môi giới bất động sản không tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề và kỳ thi sát hạch cấp chứng chứng chỉ hành nghề do không “sợ” phạt. Theo đó, Nghị định 16/2022/NĐ-CP về “Quy định xử phạt hành chính về xây dựng”, có hiệu lực từ đầu năm 2022, đã có quy định xử phạt hành chính đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin về bất cứ trường hợp xử phạt nào. Thậm chí, tại một số địa phương có thị trường bất động sản sơ khai, nhiều “cò đất" còn không biết tới các quy định mới này.

Nhiều địa phương chưa có kế hoạch tổ chức thi sát hạch, gây khó khăn cho những người muốn tham gia. Việc giao nhiệm vụ tổ chức thi cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn gặp nhiều vướng mắc do các địa phương chưa có kinh nghiệm và cơ sở vật chất.

Ngoài ra, việc giám sát hoạt động của môi giới sau khi được cấp chứng chỉ còn hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều môi giới vi phạm quy định.

Theo TS Nguyễn Văn Đính, nhiều môi giới chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc có chứng chỉ hành nghề và chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, mức phạt đối với những hành vi vi phạm quy định về môi giới còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, việc truyền thông về các quy định mới của pháp luật còn hạn chế, khiến nhiều người chưa nắm rõ thông tin.

Để khắc phục những bất cập trên, TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, Sở Xây dựng hoặc các cơ quan, đơn vị có chức năng tổ chức thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định trước đó, có thể tham mưu cho địa phương về chính sách, quy định liên quan đến tổ chức thi và cấp chứng chỉ.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ đảm bảo quá trình tổ chức thi diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời giám sát chất lượng và tính minh bạch của các kỳ thi này.

Ngoài ra, để nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường và phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thị trường do hoạt động môi giới, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát của cả điều kiện cần - hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngành nghề.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện cơ chế tổ chức thi như xây dựng kế hoạch tổ chức thi đồng bộ trên cả nước, hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức thi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi giới.

Việc khắc phục những bất cập trong quá trình cấp chứng chỉ hành nghề môi giới là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cap-chung-chi-moi-gioi-bat-dong-san-con-nhieu-lo-hong-156374.html