Rượu thuốc đừng để thành 'rượu độc'
CLO) Việc trưng bày một vài thậm chí là hàng loạt bình rượu thuốc trong nhà với mục đích trang trí và bồi bổ sức khỏe đã không còn xa lạ đối với nhiều người mà thường là cánh nam giới. Nhưng do không hiểu rõ mà không ít trường hợp đã thành uống phải 'rượu độc'.
Với tâm lý uống rượu thuốc sẽ tốt cho sức khỏe nên những người sành rượu thường có vài bình rượu thuốc trong nhà để uống một, hai ly mỗi bữa ăn. Từ tắc kè, kỳ nhông cho đến các loại rắn rết, rễ cây,... đều được cho vào rượu xem như một vị thuốc quý.
Nhiều trường hợp tử vong vì rượu thuốc
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, ngộ độc do rượu thuốc chỉ chiếm tỷ lệ khá thấp 3,24% so với tổng số vụ ngộ độc nói chung. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong lại chiếm tới 26,15% tổng số vụ tử vong do ngộ độc. Số liệu có dấu hiệu tăng lên trong 5 năm trở lại đây, khi mọi người có xu hướng tìm kiếm được nhiều loại dược liệu mà theo họ ngâm rượu thuốc rất tốt.
Rượu thuốc nếu ngâm, uống bừa bãi lợi đâu chưa thấy chỉ thấy hại.
Ngày 8/5/2019, hai bệnh nhân nhập viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vì ngộ độc rượu ngâm củ ấu tẩu trong tình trạng lơ mơ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, huyết áp giảm, da tái nhợt, có cơn ngừng thở kéo dài. May mắn, bệnh nhân được cấp cứu kịp thời.
Ngày 10/7/2019, 5 bệnh nhân tại tỉnh Khánh Hòa nhập viện do ngộ độc rượu ngâm hạt cây rừng dẫn đến 3 người chết ở Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), 2 người nguy kịch.
Hay sự cố mới đây nhất vào giữa tháng 11/2020, sau khi uống rượu ngâm rượu ba kích nhằm lấy lại "bản lĩnh đàn ông", một người đàn ông trung niên (40 tuổi) bị cương dương vật hơn 30 giờ đồng hồ và phải nhập vào Bệnh viện Đại học y Hà Nội để xử lý
Rượu thuốc có thực sự tốt?
Theo TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện y dược học dân tộc TP.HCM, trong Đông y có 4 nhóm thuốc bổ: Bổ khí, bổ huyết, bổ âm và bổ dương. Ba kích là vị thuốc nằm trong nhóm bổ dương, dùng cho cả nam giới và nữ giới. Nhưng trong nhóm thuốc bổ dương đa phần là bổ thận dương, có 3 nhóm nhỏ: Bổ thận sinh cốt tủy (vị thuốc nổi tiếng là lộc nhung), bổ thận tráng dương (ba kích nằm trong nhóm này nên có tác dụng trên sinh dục) và bổ thận dương mạnh gân cốt. Đặc biệt, khi sử dụng thuốc, trong Đông y người ta không bao giờ sử dụng 1 vị mà là sử dụng 1 bài thuốc.
Hiện nay, ở Việt Nam có tới 2/3 trong số 1.720 loại rượu được coi là bổ.
Ngoài ra, rượu thuốc là 1 loại thuốc, phải uống theo liều lượng cụ thể, thường 1 ngày chỉ nên uống 3 chén, chia 3 lần với những quy định khá nghiêm ngặt từ chọn vị thuốc, cách ngâm và cả thời gian uống.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người khi sử dụng đều không dùng đúng cách, đúng chỉ dẫn và liều lượng. Nên uống nhiều sẽ quá liều, chỉ có hại cho gan, thận và dẫn đến tình trạng như bệnh nhân trên.
Vào dịp cuối năm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán luôn tăng cao số lượng tiêu thụ rượu. Vì vậy, người dân nói chung và phái mạnh nói riêng cần nhận thức rõ về công dụng của rượu thuốc. Hãy tỉnh táo trước mỗi chén rượu được coi là bổ dưỡng nếu không muốn uống nhầm thuốc độc rồi gây họa về sau.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ruou-thuoc-dung-de-thanh-ruou-doc-post108310.html