Sa Ná - trời xanh, mây trắng gọi xuân về

Tháng 8 năm 2019, chưa bao giờ cái tên 'Sa Ná' được người dân cả nước biết đến và nhắc đi nhắc lại liên tục. Cái 'nổi danh' ấy chẳng ai mong muốn, bởi họ nghe, nhìn và biết đến là một Sa Ná tang thương, hoang tàn, đổ nát sau cơn đại hồng thủy tràn qua...

Người dân bản Sa Ná trang trí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Người dân bản Sa Ná trang trí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Bốn tháng sau, về với Sa Ná, bầu trời như trong xanh hơn, cảm nhận được rõ nét hơn thanh sắc của cuộc sống mới đang tràn về với người dân nơi đây. Ngày xuân gõ cửa, thấp thoáng trong mây trắng bồng bềnh là những ngôi nhà mới khang trang sạch đẹp, vẫn là những cái siết tay nhau thật chặt, nụ cười tuy còn phảng phất nỗi buồn nhưng ánh mắt vẫn tròn đầy niềm tin, đủ để nhắn nhủ với nhau rằng “Giông bão qua rồi, Sa Ná ơi!”.

Sa Ná ngày hôm qua...

...là những đau thương, hoang tàn, mất mát và bi lụy, sau trận lũ tàn khốc ấy. Thật khó có thể quên được những con số khủng khiếp do trận lũ lịch sử gây ra, 10 người chết, 3 người còn mất tích, 51 ngôi nhà bị sập và trôi hoàn toàn, hàng trăm héc-ta hoa màu, vật nuôi bị lũ cuốn trôi... tổng thiệt hại lên đến 121 tỷ đồng. Những con số vượt quá sự chịu đựng của đồng bào nghèo vùng biên viễn. “Mất hết rồi, chết hết rồi” là câu cửa miệng của rất nhiều người dân may mắn còn sống sót sau trận “đại hồng thủy”. Thời điểm đó, anh Hà Văn Vân, 29 tuổi, được mọi người gọi là “người đàn ông đau khổ nhất Việt Nam”, bởi chỉ sau 1 ngày xa nhà, khi trở về, anh mất cả 6 người thân trong gia đình. Còn nhớ, khi theo chân những chuyến thiện nguyện về với Sa Ná, Vân không còn đủ nước mắt để khóc, trên khuôn mặt gầy rộc đi vì đau đớn, nhìn về phía dòng nước chảy xiết đó, Vân chỉ nói đi nói lại mỗi một ước nguyện “Em không sợ đói nghèo, em chỉ cần có vợ con, bố mẹ và chị của mình về thôi, khó khăn thế nào cũng chịu được, chỉ cần gia đình được sum vầy”... Ước nguyện của Vân đủ để bóp nghẹt hàng triệu trái tim, khiến cho người ta cảm thấy day dứt, ám ảnh và xót xa. Mang người thân về cho Vân là điều mà không ai có thể, nhưng chắc hẳn rằng, sau cơn “bĩ cực” ấy, chúng ta có thể mang đến cho nhau một “gia đình”, với những sẻ chia, giúp đỡ và chung tay để bước tiếp vì một tương lai mới. Hà Văn Vân còn sống và vẫn phải sống, như tất cả người dân của bản, nhất định phải sống một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa hơn. Sống cho những người đã khuất và cho cả những người đang còn sống. Và hình ảnh Hà Văn Vân cùng hàng trăm người dân Sa Ná gạt bỏ đau thương, đứng dậy, cùng với chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm chung tay đặt những viên gạch đầu tiên xây lại những ngôi nhà mới, là hình ảnh đẹp, nhân văn và ý nghĩa, truyền cảm hứng mạnh mẽ, mang lại niềm tin mãnh liệt để tri ân những người đã, đang ngày đêm trăn trở, hết mình vì bà con vùng lũ... Bản Sa Ná hôm qua đã là quá khứ, thay vào đó là những ngôi nhà mới nằm đan xen, san sát xanh tươi, xa xa khói lam chiều lan tỏa, vọng lại tiếng ru ngập ngừng: “Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây...”.

Sa Ná của ngày hôm nay...

...Nắng xuân đã giăng khắp lối. Nắng lấp lóa trên từng thửa ruộng sưởi ấm cho những nhánh mạ non. Hai bên đường, những lá cờ Tổ quốc phấp phới bay. Sắc xanh mênh mông của những ruộng lúa, đồi ngô đã thế chỗ cho sự úa tàn, hơi ấm mùa xuân dần xua tan mùa đông lạnh giá. Nụ cười móm mém của những cụ già và ánh mắt hồn nhiên của trẻ nhỏ nơi vùng lũ đi qua... tất cả bừng sáng lên giữa mùa xuân, xoa dịu đi vết tích đau thương mà “lũ dữ” để lại. Trong ngôi nhà mới, ông Ngân Văn Chon nở nụ cười thật tươi, cho biết: Khi lũ đi qua, tôi thành người tay trắng, mất nhà cửa, tài sản trị giá cả tỷ đồng. Nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm mà gia đình tôi được ở trong ngôi nhà mới để đón tết. Tuy mất mát, đau thương nhưng xuân này cũng đầm ấm và thắm tình yêu thương.

Sa Ná hôm nay – trời xanh, mây trắng gọi xuân về. Năm nay, không khí đón năm mới ở Sa Ná tuy trầm lắng hơn bởi những thiệt hại đã qua, có thể không có lợn to, mâm đầy như những năm trước nhưng chắc chắn rằng sẽ ấm áp bởi họ đã cùng nhau trải qua những “cơn bĩ cực” để thấu hiểu hơn về tình người trong mưa lũ.

“Trong lũ dữ, thắm tình người”, đó là lời nhận xét của ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn. Mỗi mảnh đời, mỗi số phận không ai giống ai, dẫu biết rằng cuộc sống với bà con vùng lũ vẫn còn những gian nan ở phía trước, bởi đích đến không phải chỉ là một ngôi nhà mới, một chỗ trú mưa tránh nắng, mà còn phải tạo sinh kế để bà con khôi phục sản xuất, bảo đảm cuộc sống. Nhưng trước mắt, Sa Ná đã được đầu tư xây dựng một khu tái định cư (TĐC) để di chuyển 51 hộ dân vào nơi ở an toàn, trên diện tích 5,2 ha trên đồi Poom Ngồ. Theo thiết kế, dự toán, khu TĐC được xây dựng với kinh phí 15 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ và một số đơn vị, doanh nghiệp là trên 10 tỷ đồng; được quy hoạch đường bàn cờ, bê tông hóa, mỗi hộ được giao 240m2 đất, thiết kế theo chung một mẫu nhà đối với nhà xây kiên cố, hộ nào có điều kiện thì làm nhà sàn truyền thống... Đến ngày 25-11-2019, việc thi công đã hoàn thành, bà con Sa Ná có thể yên tâm về nhà mới đón tết. Nhiệm vụ lo cho đồng bào Sa Ná vui xuân, đón tết nhằm động viên bà con lúc khó khăn và về nơi ở mới, huyện Quan Sơn giao cho huyện đoàn tổ chức đêm lửa trại và thăm hỏi, tặng quà cho các hộ trong dịp tết cổ truyền. Sau tết sẽ tổ chức tết trồng cây, tạo ra điểm nhấn, tiến tới xây dựng bản Sa Ná thành bản nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu...

Một mùa xuân mới đang rộn ràng gõ cửa. Với những người dân vùng lũ Sa Ná, xuân này vẫn còn đó bao bộn bề, lo toan. Nhưng, cuộc sống mới đang bắt đầu, những mầm xuân đang nảy lộc...

Bài và ảnh: Xuân Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/sa-na-troi-xanh-may-trang-goi-xuan-ve/113384.htm