Sa sút trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức

Nước ta có khoảng 500.000 người sa sút trí tuệ trong cộng đồng nhưng chỉ khoảng 1.000 đến 2.000 người được khám

Đưa cha (67 tuổi) chờ đến lượt khám tại Bệnh viện 30-4 (TP HCM), anh D.T.Q. (40 tuổi, ở TP Thủ Đức) cho biết cha anh có những biểu hiện hay quên. Ông xuất hiện triệu chứng quên cách đây khoảng 4 năm như thỉnh thoảng quên đường, quên ngày tháng. "Tôi nghĩ do tuổi già ai cũng sẽ mắc bệnh nên không đưa đi khám. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng quên của cha tôi ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt của cả gia đình" - anh Q. lo lắng.

Phần lớn phát hiện khi ở giai đoạn nặng

Nhiều người cho rằng người già sẽ hay lú lẫn và quên trong khi đây là một trong những biểu hiện của sa sút trí tuệ. TS-BS Trần Công Thắng, Phó Chủ tịch Hội Alzheimer và Rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam, cố vấn chuyên môn Đơn vị trí nhớ và sa sút trí tuệ - Bệnh viện 30-4, cho biết trường hợp giống với cha anh Q. hiện rất nhiều. Bởi tỉ lệ mắc sa sút trí tuệ trong cộng đồng hiện nay rất lớn nhưng vẫn chưa được quan tâm.

Theo các nghiên cứu tại Việt Nam, tỉ lệ sa sút trí tuệ ở người trên 60 tuổi chiếm khoảng 4,8% -5% dân số. Hiện Việt Nam với dân số 100 triệu, trong đó 10% là người trên 60 tuổi. Như vậy, sẽ có khoảng 500.000 người sa sút trí tuệ trong cộng đồng. Tuy nhiên, số lượng người đến khám tại các đơn vị sa sút trí tuệ rất thấp, chỉ khoảng 1.000-2.000 người. "Điều này cho thấy phần lớn người dân chỉ phát hiện được sa sút trí tuệ khi ở giai đoạn nặng (lẫn) thì mới đến khám. Việc điều trị ở giai đoạn nặng gần như không có hiệu quả" - bác sĩ Thắng nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Thắng, sa sút trí tuệ là tình trạng giảm trí nhớ, giảm chức năng nhận thức ảnh hưởng đến hoạt động sống, hoặc ảnh hưởng đến tính độc lập. "Bệnh Alzheimer (là một bệnh tiến triển gây ra suy giảm trí nhớ và nhận thức một cách dần dần) và sa sút trí tuệ đều có thể gây suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi. Do đó, nhiều người thường bị nhầm lẫn giữa 2 căn bệnh này, trong khi Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu của sa sút trí tuệ. Có khoảng 70%-80% người lớn tuổi sa sút trí tuệ do nguyên nhân hàng đầu là bệnh Alzheimer" - bác sĩ Thắng phân tích.

Sau đó, là do căn nguyên liên quan đến mạch máu (đột quỵ) và các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá... Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như sau chấn thương đầu, mắc bệnh lý nội khoa (suy gan, thận, đái tháo đường, viêm não)… cũng gây sa sút trí tuệ.

PGS-TS-BS Trương Đình Cẩm, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết bệnh Alzheimer là bệnh lý não bộ ảnh hưởng lên vùng đảm nhận chức năng học tập, trí nhớ và khả năng suy nghĩ, gây suy giảm hoạt động sống độc lập của người bệnh. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, đa số sa sút trí tuệ nói chung hay bệnh Alzheimer nói riêng vẫn được hiểu nhầm thành bệnh lú lẫn của tuổi già và không được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, nếu được điều trị sớm sẽ ổn định, làm chậm sự tiến triển của bệnh, nâng cao chất lượng sống của cả người bệnh và người chăm sóc.

TS-BS Trần Công Thắng, Phó Chủ tịch Hội Alzheimer và Rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam, cố vấn chuyên môn Đơn vị trí nhớ và sa sút trí tuệ - Bệnh viện 30-4, đang thăm khám cho người bệnh

TS-BS Trần Công Thắng, Phó Chủ tịch Hội Alzheimer và Rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam, cố vấn chuyên môn Đơn vị trí nhớ và sa sút trí tuệ - Bệnh viện 30-4, đang thăm khám cho người bệnh

Tăng cường tầm soát cộng đồng

Theo bác sĩ Trần Công Thắng, dấu hiệu nhận biết sớm sa sút trí tuệ là giảm trí nhớ tăng dần. "Nếu một người giảm trí nhớ tăng dần liên tục trong vòng 3-6 tháng thì có khả năng người đó bắt đầu sa sút trí tuệ. Bên cạnh đó, còn có những biểu hiện với những triệu chứng khác tăng dần như: quên việc đang làm, đường đi; đang nói chuyện quên chuyện mình đang nói; quên cách dùng từ; lên kế hoạch và không thực hiện theo đúng kế hoạch; đi lạc đường; thay đổi tính tình không phù hợp hoàn cảnh... Đây là những biểu hiện bắt đầu của sa sút trí tuệ. Đáng lưu ý, sau đại dịch COVID-19, tuổi mắc sa sút trí tuệ sớm hơn" - bác sĩ Thắng cho biết.

Bác sĩ Thắng cũng lưu ý hiện nhiều người ở độ tuổi còn trẻ, trong đó có phụ nữ sau sinh có biểu hiện quên cũng khá nhiều. Tuy nhiên, đây chưa phải là dấu hiệu của sa sút trí tuệ mà là do áp lực công việc, stress dẫn đến giảm sự tập trung chú ý. Đối với trường hợp trên thì tập trung giải quyết stress sẽ cải thiện tập trung chú ý và cải thiện trí nhớ.

"Stress nếu không giải quyết về lâu dài đây là yếu tố thúc đẩy thuận lợi tích lũy sản phẩm thoái hóa trong não. Nếu sản phẩm thoái hóa trong não quá nhiều thì dẫn đến sa sút trí tuệ sớm. Do đó, một trong những việc ngăn ngừa sa sút trí tuệ đến sớm là phải có lối sống khỏe mạnh (ăn uống lành mạnh, ít chất béo, nhiều rau xanh, uống đủ nước, không hút thuốc lá…), giảm stress, tập thể dục thường xuyên để loại bỏ sản phẩm thoái hóa não" - bác sĩ Thắng nói.

Nhằm tăng cường nhận thức cho cộng đồng về bệnh sa sút trí tuệ, hiện Hội Alzheimer và Rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam đang thực hiện nghiên cứu để đưa ra các bộ test câu hỏi giúp tầm soát trong cộng đồng. Bộ test này gồm 6 câu hỏi liên quan đến trí nhớ, ngôn ngữ, định hướng không gian, thực hiện kế hoạch… đặt tại các nhà thuốc để giúp người bệnh được phát hiện bất thường sớm. Từ đó, việc điều trị cũng hiệu quả hơn. Dự kiến khoảng tháng 3-2024, bộ test này sẽ hoàn thành.

Tốn 2.800 tỉ USD chi phí chăm sóc

Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, từ nay đến năm 2050, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Già hóa dân số dẫn đến sự gia tăng số lượng người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ. Dự báo số người mắc sa sút trí tuệ tại Việt Nam sẽ tăng lên 1,8 triệu người vào năm 2050. Trong khi đó, căn bệnh này ở cộng đồng vẫn chưa nhận thức đúng. Điều này sẽ dẫn đến gánh nặng trong gia đình, y tế, xã hội.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng chi phí xã hội toàn cầu cho sa sút trí tuệ năm 2019 là 1.300 tỉ USD và dự báo có thể vượt quá 2.800 tỉ USD vào năm 2030 khi số người bị sa sút trí tuệ và chi phí chăm sóc họ đều tăng lên.

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sa-sut-tri-tue-chua-duoc-quan-tam-dung-muc-196231227205812378.htm