Sách dạy đạo đức kinh doanh, nhận diện thương hiệu

Trong tác phẩm 'Thương học phương châm', nhà yêu nước Lương Văn Can bàn nhiều về đạo đức kinh doanh, cách thức buôn bán... Trong đó có việc nhận diện thương hiệu qua logo của nhãn hàng.

 Tác phẩm "Thương học phương châm" của nhà yêu nước Lương Văn Can mới được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Ảnh: Khán Thư.

Tác phẩm "Thương học phương châm" của nhà yêu nước Lương Văn Can mới được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Ảnh: Khán Thư.

Năm 1928, Nhà in Thụy Ký tại Hà Nội ấn hành tác phẩm Thương học phương châm của nhà yêu nước Lương Văn Can, sách ra đời sau khi ông mất. Cùng tác phẩm Kim cổ cách ngôn đã xuất bản trước đó, Thương học phương châm đặt nền tảng cho “thương học” (khoa học kinh doanh), “thương đức” (đạo đức kinh doanh) và “thương tài” (năng lực kinh doanh) của giới doanh nhân ngày nay.

Trong phần “Tựa” của sách Thương học phương châm, tác giả nói lý do viết sách bởi "cổ nhân thường khinh sự buôn là mạt nghệ, bởi vì người đời xưa trọng đạo đức mà khinh công lợi". Đây lại là nghề tham lợi, giao thông khó khăn... Nhưng hiện thời (thập niên 1920) thế sự đã thay đổi; nào giao thông tiện lợi, nào thông tin nhanh nhạy, nhiều quốc gia nhờ sự buôn mà trở nên giàu có.

Trong khi đó nhìn lại nước ta, "ít người chỉ làm thực nghiệp, hoặc có một bọn muốn làm nghề buôn, mà tư bản đã ít, học thức cũng kém, chỉ độ được mấy năm thì thất bại khánh tận ngay, ấy chỉ bởi tại không có thương học mà đến thế". Sách Thương học phương châm viết ra, là vì những lẽ trên.

Trong sách này, cụ Lương Văn Can xác định vai trò quan trọng của lĩnh vực thương nghiệp. Buôn bán, hay thương nghiệp ảnh hưởng đến sự giàu nghèo của quốc gia, bởi dân gian đã đúc kết “phi thương bất phú”: “Các đại quốc do thông thương mà làm được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà phú gia địch quốc”.

Muốn buôn bán thì phải thạo nghề, biết khoa học buôn bán, quản trị, nghĩa là phải có “thương học”. Trong đó, đầu tiên là phải “có tư bản”, tức có vốn. Những mô hình công ty ngày nay phổ biến đã được bài “Tổ chức sự buôn” của sách chỉ rõ các loại hình gồm "hữu hạn công ty", "vô hạn công ty", "lưỡng hợp công ty".

Để buôn bán được trên thương trường, phải có năng lực kinh doanh, lại phải thạo tính toán “làm việc gì cũng phải biết tính mà làm nghề buôn thì lại càng nên học tính, có tính thì mới suy hơn quản thiệt, mới biết số xuất nhập bao nhiêu”.

Buôn bán phải có đạo đức của kẻ làm kinh doanh, đó là sự thành thực, xây dựng lòng tin của khách để nghiệp buôn được bền vững, lâu dài: “Phải vui vẻ tiếp đãi ân cần, vô luận mua được hay không, dẫu năm lần bẩy lần vẫn cứ tình nghĩa như cũ, thời dẫu lần trước không mua được mà lần sau hẳn muốn đến hàng mà mua”.

Cũng trong Thương học phương châm, tác giả nêu quan điểm của mình về việc nhận diện thương hiệu, nhãn hàng: “Hiệu buôn hoặc dùng tên mình, hoặc đặt chữ mới định, rồi đem trình chính phủ, dấu hiệu làm vuông, hoặc làm hình bồ dục, hình tròn cũng tùy ý, ở một phố cùng buôn một nghề, đặt hiệu không được trùng nhau”. Lời dạy ấy, nay vẫn còn giá trị với giới doanh nhân.

Đình Ba

Nguồn Znews: https://znews.vn/sach-day-dao-duc-kinh-doanh-nhan-dien-thuong-hieu-post1495132.html