Sâm Ngọc Linh bị làm giả ngay tại 'thánh địa'
Sâm Ngọc Linh (SNL) tự nhiên ngày càng cạn kiệt, trong khi loại cây này đang bị thách thức bởi hàng giả ngay tại chính nơi được xem là 'thánh địa'. Việc phát triển, bảo vệ thương hiệu SNL gặp khó khăn khi hàng giả đang gây mất niềm tin của người tiêu dùng (NTD).
Hàng thật khan hiếm, hàng giả tung hoành
Sâm Ngọc Linh là cây bản địa đặc hữu của núi rừng Ngọc Linh, phân bố chủ yếu ở 2 tỉnh Quảng Nam, Kon Tum. Trước đây, SNL mọc dày dưới tán rừng ở độ cao trên 1.200m, được người bản địa dùng như loại thuốc để tăng sức đề kháng, trong khi giới quân y sử dụng chế biến thành thuốc phục vụ CBCS tham gia kháng chiến.
Từ thập niên 90 của thế kỷ XX trở lại đây, do giá trị quá lớn nên SNL tự nhiên bị con người khai thác gần như cạn kiệt. Hiện nay, người dân sống quanh núi Ngọc Linh vẫn đang trồng sâm, nhưng do khan hiếm giống nên số lượng rất hạn chế. Mặc dù vậy, trên thị trường cả sâm trồng cũng bị làm giả tràn lan ngay trên "thánh địa" của SNL ở Kon Tum. Chủ yếu các đối tượng lấy các loại cây như điền trúc, tam thất... có vẻ ngoài rất giống để làm giả SNL. Các loại cây này được đưa từ các tỉnh phía Bắc vào, trà trộn hoặc giả làm SNL Kon Tum bán cho khách hàng. Mỗi ký tam thất chỉ có giá hơn 1 triệu đồng, nhưng khi "đội lốt" SNL Kon Tum vọt lên trên dưới 100 triệu đồng/kg.
Từ Gia Lai đến Kon Tum, nhiều nơi rao bán SNL từ 50 - 70 triệu đồng/kg loại trồng và 70 - 150 triệu đồng/kg sâm tự nhiên. Nhiều người cam kết hàng bán là SNL thật 100%, có kiểm định đàng hoàng. Liên hệ với người rao bán SNL Kon Tum trên đường Lý Thái Tổ, TP.Pleiku, Gia Lai, chúng tôi được chào mời 2 loại sâm: sâm trồng rẻ nhất loại 15 - 20 củ/kg giá 50 triệu đồng, đắt nhất loại 5 - 6 củ/kg giá 70 triệu, trong khi sâm tự nhiên giá từ 70 - 150 triệu đồng/kg tùy loại, bán lẻ từ 1 lạng trở lên, hàng lúc nào cũng sẵn, có thể đến xem rồi chọn.
Người bán hàng đưa ra giấy kiểm định đóng dấu đỏ của 1 tổ chức ở TPHCM, trên đó ghi: Căn cứ kết quả kiểm định bằng phương pháp hóa học và sắc ký lớp mỏng cho thấy có sự hiện diện của các chuẩn M-R2, G-Rg1, G-Rb1 đặc trưng của sâm Ngọc Linh. Cũng vì tin vào giấy kiểm định mà một số khách hàng đã mất tiền oan khi mua phải SNL giả.
Ông H.C.N (ở TP. Kon Tum) mua 2 củ SNL trồng với giá 10 triệu đồng từ 1 người bán ở TP.Kon Tum, do khi mua hàng, người bán cũng trưng ra giấy kiểm định ghi rõ "hàm lượng saponin 7,84%". Chỉ đến khi liên hệ với Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) tỉnh Kon Tum, ông N. mới tá hỏa khi được giải thích rõ: hàm lượng saponin là thành phần chủ yếu trong SNL phải trên 52%, nếu chỉ 7,84% thì chắc chắn không phải loại sâm này. Trong các loại củ như tam thất, hồng sâm... đều có hàm lượng saponin nhưng rất thấp.
"Hô biến" củ tam thất thành sâm Ngọc Linh
Từ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tại địa bàn Đăk Tô (Kon Tum), lực lượng chức năng đã phát hiện 2 vụ làm giả SNL Kon Tum.
Mới nhất là vào ngày 1-3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 (Cục QLTT Kon Tum) phối hợp với Công an huyện Đăk Tô mật phục, vây bắt chiếc xe khách vận chuyển 3 thùng xốp SNL Kon Tum giả từ các tỉnh phía Bắc đưa vào, bên trong có 2kg củ và 12kg lá "đội lốt" SNL Kon Tum. Trước đó, ngày 8-2, Đội QLTT số 2 phát hiện 7 thùng gồm 112 chai rượu "lá SNL", tại thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô. Tất cả số rượu trên được sản xuất tại Quảng Nam, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ và vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đối với rượu SNL Kon Tum K5.
Chuyện kẻ gian mạo danh thương hiệu SNL Kon Tum để kiếm lời đã diễn ra từ nhiều năm trước. Công an (CA) Kon Tum từng phát hiện 1 đường dây tiêu thụ SNL giả, đối tượng cầm đầu là Nguyễn Đình Ký (ở huyện Kon Plông, Kon Tum). Qua điều tra, CA đã lần ra việc cung cấp sâm giả làm từ củ tam thất ngoài Bắc được chuyển vào Kon Tum để lừa NTD.
Ông Ngụy Đình Phúc - Đội trưởng Đội QLTT số 2 - cho biết, huyện Đăk Tô là địa bàn nóng về tình trạng mua bán SNL Kon Tum giả. Theo đó, các đối tượng buôn lậu thường thu gom những loại củ như tam thất, điền trúc... rất giống SNL Kon Tum từ các tỉnh miền Bắc chuyển vào rồi "đội lốt" SNL Kon Tum để bán cho NTD. Việc làm trái pháp luật trên ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu SNL Kon Tum.
Hiện tỉnh Kon Tum mới chỉ cấp phép cho 3 đơn vị đủ điều kiện trồng, bảo tồn và phát triển SNL. Cụ thể, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô (trồng gần 20ha), Công ty CP Vingin (trồng 200ha) và Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum (600ha). Các đơn vị này chủ yếu bảo tồn nguồn giống và chế biến các sản phẩm từ sâm, ít bán sâm củ ra thị trường.
Tháng 8-2016, Bộ KH-CN đã trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ. Việc SNL được chứng nhận trên sẽ là cơ hội quảng bá rộng rãi sản phẩm SNL ra thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, việc cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý còn đóng vai trò tích cực trong việc liên hệ đến chất lượng, duy trì danh tiếng cho "quốc bảo" SNL.
Những năm qua, Sở KH-CN Kon Tum đã phối hợp với các ngành liên quan, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu việc bảo tồn, phát triển cây SNL. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã bảo tồn, phát triển hơn 1.000ha SNL được trồng trên núi Ngọc Linh ở độ cao 1.800 - 2.500m.