Sẵn sàng, chủ động ứng phó thiên tai

Dân quân xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) giúp dân khắc phục triều cường xâm thực. Ảnh: ANH NGỌC

Phú Yên là một trong những tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, thường xuyên ảnh hưởng bởi thiên tai, điển hình nhất là bão, lũ lụt, hạn hán, triều cường, sạt lở bờ sông, bờ biển… Trước diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai, tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, phương án và yêu cầu các sở, ngành, địa phương sẵn sàng, chủ động ứng phó.

Thiệt hại lớn

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 95%, sau đó giảm dần và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính vào mùa hè năm 2021, tình hình nắng hạn, xâm nhập mặn cũng khá phức tạp. Các tháng còn lại của năm 2021 có khả năng xuất hiện 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có từ 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, năm 2020, tình trạng nắng nóng, khô hạn ở Phú Yên kéo dài đã làm hơn 1.740ha diện tích lúa vụ hè thu bị thiếu nước tưới, hàng trăm hec ta cây trồng cạn bị thiếu nước gây thiệt hại nặng, đặc biệt có khoảng 510 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Cũng trong năm qua, Phú Yên chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 cơn bão (số 9, số 12) gây lũ lụt làm thiệt hại hơn 555 tỉ đồng.

Để chủ động ứng phó các loại hình thiên tai, hàng năm, các địa phương đều xây dựng phương án, kế hoạch. Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho biết: Sông Cầu là địa phương có khoảng 2/3 dân số sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua, mặc dù địa phương triển khai rất kỹ công tác ứng phó với thiên tai, nhưng vẫn chịu thiệt hại nặng nề. Năm 2021, ngay từ đầu năm, UBND TX Sông Cầu đã triển khai đến các địa phương và người dân phương án chủ động ứng phó thiên tai. Khó khăn nhất hiện nay ở TX Sông Cầu là công tác di dời, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản khi xảy ra bão…

Tại huyện Đồng Xuân, ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện này cho hay: Là huyện miền núi có địa hình phức tạp, hệ thống sông, suối tương đối dày, hàng năm tổng lượng nước từ các sông suối này đổ ra biển khoảng 1,5 tỉ m3. Chính vì địa hình phức tạp như vậy, hàng năm ở Đồng Xuân xảy ra từ 3-5 trận lũ lụt lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Để chủ động ứng phó, từ huyện đến cơ sở đã xây dựng và sẵn sàng triển khai các phương án khi xảy ra thiên tai, bão lũ.

Ông Phạm Chí Toàn, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, phương án ứng phó trên tinh thần chủ động, sẵn sàng, nhằm góp phần giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, cập nhật, bổ sung kế hoạch PCTT, đồng thời thường xuyên kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình PCTT thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý, xác định các khu vực trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực, sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng.

Nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, để chủ động ứng phó thiên tai, tỉnh đã ban hành các chỉ thị, phương án, kế hoạch PCTT năm 2021, nhất là kế hoạch phòng, chống hạn hán cho vụ hè thu 2021. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các địa phương chủ động triển khai kịp thời có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Các địa phương cần sớm tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác PCTT-TKCN năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại của năm 2021 sát với tình hình thực tế, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả. Tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương rà soát, cập nhật các phương án, kế hoạch như ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển; ứng phó với sự cố vỡ đập, hồ thủy lợi, thủy điện, xả lũ; ứng phó xâm nhập mặn, hạn hán xảy ra trên địa bàn. Các đơn vị và địa phương khẩn trương rà soát phương án và tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn, trong đó chú trọng việc phối hợp và bố trí các lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm để huy động kịp thời khi có yêu cầu; bổ sung các trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp làm công tác PCTT.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: Tỉnh và các địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về những nguy cơ, hiểm họa do thiên tai gây ra và các kỹ năng ứng phó. Cụ thể đối với 2 nhóm thiên tai chính thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh là bão lũ và hạn hán, xâm nhập mặn để nhân dân nắm bắt thông tin và thực hiện có hiệu quả. Trước dự báo tình hình thiên tai ngày càng bất thường, phức tạp, cực đoan do biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương khẩn trương xây dựng các kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đã có kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ cho Phú Yên khoảng 415 tỉ đồng để tỉnh khôi phục sản xuất, sửa chữa hạ tầng cơ sở bị hư hỏng, đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả phục vụ nhân dân vùng bão lũ, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi bị thiệt hại do thiên tai bão lũ xảy ra trong năm 2020.

Trung ương cũng cần tăng mức đầu tư hàng năm để sớm đầu tư khép kín các tuyến đê biển xung yếu; điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đê biển lên mức đảm bảo chống gió bão cấp 12 và trên cấp 12. Về lâu dài, Trung ương cần ưu tiên các danh mục và mức vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các công trình PCTT; hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác ứng cứu, TKCN cho lực lượng công an, quân đội trên địa bàn tỉnh và các ngành có liên quan, đặc biệt là cấp xã nhằm chủ động ứng cứu tại chỗ khi thiên tai xảy ra.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/258156/san-sang-chu-dong-ung-pho-thien-tai.html