Sẵn sàng điều kiện bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về TP Hà Nội
Chiều 29/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khảo sát, làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Tham dự cuộc khảo sát, làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo các đơn vị liên quan…
Hình thành một hệ sinh thái khoa học công nghệ
Theo Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Lưu Hoàng Long, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có tổng diện tích quy hoạch gần 1.600ha và được quy hoạch thành 8 phân khu chức năng. Quy mô dân số dự báo đến năm 2030 là 229.000 người. Tính đến hết tháng 5/2023, tổng diện tích đã giải phóng mặt bằng 1.410ha và đáp ứng được các yêu cầu trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư.
Tổng diện tích đất đã sử dụng tính đến hết tháng 5/2023 khoảng 663ha. Đến hết năm 2022, Ban Quản lý đã giải ngân hơn 9.885 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Ngoài ra, các chủ đầu tư hạ tầng cũng giải ngân khoảng 607 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thu hút được 106 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 85.602 tỷ đồng và 702,57 triệu đô la Mỹ trên tổng diện tích khoảng 380ha. Trong 106 dự án của nhà đầu tư nêu trên có 60 dự án đang hoạt động góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 lao động có tay nghề. Trong năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp tại đây đạt khoảng 18.000 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng.
Nhiều dự án đầu tư đã làm chủ được công nghệ lõi, các công nghệ cao có những thành tựu quan trọng, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, có các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao khác nhau như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Đại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản)...
Để có thể đảm bảo trở thành đầu tầu dẫn dắt, lan tỏa đến các Khu công nghệ cao khác đối với một số ngành, lĩnh vực và là mô hình mẫu về Khu công nghệ cao ở Việt Nam, đúng với định hướng ban đầu xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành đặc khu khoa học và công nghệ cấp quốc gia, Ban quản lý kiến nghị với UBND thành phố Hà Nội bổ sung các cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội cho công tác xây dựng, phát triển và quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Đồng thời có chế độ đãi ngộ đối với nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao làm việc tại khu công nghệ cao... tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Nghị định quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sửa đổi.
Ngoài ra, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng và ban hành chiến lược thu hút đầu tư linh hoạt phù hợp với từng thời kỳ, bám sát mục tiêu, định hướng phát triển và nguồn lực sẵn có. Bố trí vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài vốn ngân sách trung ương để hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong giai đoạn 2021 – 2025…
Khai thác hạ tầng đảm bảo liên tục, hiệu quả sau bàn giao
Báo cáo tình hình thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về UBND Thành phố Hà Nội do Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) Phạm Thị Vân Anh trình bày cho thấy, ngày 20/6/2023, Bộ KH&CN đã làm việc với Thành phố Hà Nội và thống nhất một số nội dung: Về thời gian, việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Phạm vi bàn giao là nguyên trạng với lộ trình từng bước theo từng nhóm nội dung. Đối với những nội dung có thể bàn giao ngay, thực hiện ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết. Đối với những nội dung còn khó khăn, vướng mắc, chưa đủ căn cứ pháp lý, hai bên báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bộ KH&CN kiến nghị Chính phủ, để đảm bảo tính pháp lý và thuận lợi trong quá trình bàn giao, tiếp nhận, tránh làm xáo trộn, đứt gãy, ảnh hưởng đến hoạt động của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sau khi chuyển giao, cần có văn bản của cấp có thẩm quyền quyết định chuyển giao, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật, theo đúng ý kiến kết luận của Thường trực Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Đồng thời, trong thời điểm thực hiện chuyển giao, đề nghị Chính phủ cho phép Ban Quản lý tiếp tục thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cũng như các cơ chế, chính sách theo quy định đã ban hành. Giữ ổn định hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Bộ KH&CN ủy quyền cho Ban Quản lý là cơ quan đại diện chủ sở hữu. Tiếp tục nằm trong cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý để thực hiện quản lý các dự án đầu tư công và quản lý, khai thác hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đảm bảo liên tục, hiệu quả.
Tập trung xử lý dứt điểm giải phóng mặt bằng
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã nhiều lần được điều chỉnh về quy hoạch; cơ chế, chính sách qua các giai đoạn cũng có nhiều thay đổi. Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn duy trì được mục tiêu, định hướng phát triển đề ra và bước đầu đã có được những thành công nhất định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc xây dựng, phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong thời gian qua vẫn chưa được như kỳ vọng, còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; về nguồn lực đầu tư, hạ tầng kỹ thuật…
Để việc bàn giao, tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tiến hành một cách thuận lợi, không làm gián đoạn hoạt động, cũng như để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hoạt động hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy đề nghị, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc chuyển giao, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội và các Bộ, Ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết về việc chuyển giao và tiếp nhận tổ chức, bộ máy, hoạt động, các nhiệm vụ, công việc, tài chính, tài sản công.
Để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hoạt động hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thuộc thẩm quyền cũng như các đề xuất, kiến nghị đối với Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền để khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Trong đó, về công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư: giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp cùng UBND huyện Thạch Thất, huyện Quốc Oai tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Thành phố đã chỉ đạo. Trong đó, tập trung xử lý dứt điểm giải phóng mặt bằng đối với diện tích 183ha còn lại.
Về việc triển khai thực hiện các dự án khu tái định cư, các khu đất dịch vụ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án còn khó khăn, vướng mắc về trình tư lập, phê duyệt dự án. Trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được Thành phố phê duyệt liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn huyện Thạch Thất, Quốc Oai.
Bên cạnh đó, về việc kết nối giao thông, giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát các dự án giao thông trên địa bàn, cân đối ngân sách, đề xuất các phương án. Trong đó cần ưu tiên giải quyết những nút, tuyến giao thông trọng điểm kết nối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc như các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ…
Về tổ chức bộ máy và biên chế của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đồng ý giữ nguyên, rà soát lại chức năng nhiệm vụ trên tinh thần ổn định tư tưởng của cán bộ, công nhân viên để yên tâm công tác.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cơ bản hoàn thiện về hạ tầng, thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, các nhóm công nghệ cao và nhiều cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao. Thời gian quan, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Thành phố Hà Nội xây dựng dự án, dự thảo các nghị quyết, quyết định, hồ sơ liên quan để bàn giao nguyên trạng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trực thuộc Bộ về Thành phố Hà Nội. Hiện, các hồ sơ, thủ tục cơ bản hoàn thành, đang lấy ý kiến lần cuối các bộ, ngành liên quan. Bộ KH&CN và Thành phố Hà Nội cũng đã thống nhất báo cáo Chính phủ để có bước chỉ đạo tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cảm ơn Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã đánh giá cao sự nỗ lực, những thành tựu Khu Công nghệ cao đã đạt được cũng như chia sẻ khó khăn, vất vả của đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt hy vọng, khi chuyển giao về Thành phố Hà Nội điều kiện làm việc sẽ bằng, tốt hơn trước và tăng cường niềm tin cho các nhà dầu tư trong, ngoài nước. Đồng thời cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Thành phố; báo cáo kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm ban hành Quyết định chuyển giao nguyên trạng Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Thành phố Hà Nội. Khi bàn giao xong, với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước về Khu công nghệ cao, Bộ sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho Khu công nghệ cao Hòa lạc, phối hợp Thành phố rà soát cơ chế chính sách vượt trội tạo điều kiện cho các Khu công nghệ cao phát triển.